Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Vụ con ngược đãi mẹ ở Đồng Nai: Không thể chấp nhận!


Kẻ đại bất hiếu Lê Văn Phước.

Lưu để đọc sau

Email
bài này

In trang này

In
bài này

Ý
kiến của bạn

Liên hệ đăng lại bài

10 bài
được đọc nhiều nhất

Tôi vừa đọc những chi tiết của vụ việc ấy, vừa khóc. Tận đáy lòng mình, tôi không thể nào lý giải được vì sao người ta lại có thể đối xử tàn nhẫn với mẹ ruột của mình như vậy. Thẳm sâu trong tư duy, tôi vẫn tin vào cái thiện ở mỗi con người. Thế nhưng, trong trường hợp này, niềm tin của tôi đã hoàn toàn tan biến.

Bà tên Phạm Thị Ngà, 82 tuổi, cơn tai biến quái ác khiến bà đi lại khó khăn, gần như nằm liệt giường, việc vệ sinh cá nhân đều cần người giúp đỡ mặc dù bà vẫn còn minh mẫn. 82 tuổi, cứ tưởng tuổi già ấm êm với huyết thống, vậy mà, bà chỉ toàn nhận lại những đắng cay. Đắng cay được gieo rắc từ chính người con mà bà dứt ruột sinh ra.

Bà có 6 người con, không may, 3 người đã mất. Ban đầu, bà sống ở TP HCM với cô con gái. Nhưng từ lúc bị tai biến, bà quyết định chuyển về căn nhà ở quê để an dưỡng, bà ở cùng người con trai thứ ba. Quê bà ở ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Kẻ đại bất hiếu

Đó là Lê Văn Phước, 46 tuổi. Gã là đứa con trai thứ ba của bà. 7 năm trước, gã bị  Công an quận 2, TP HCM bắt giữ vì hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tòa kêu án tù giam. Mãn hạn tù, gã lần mò về quê, mưu sinh bằng nghề cò đất. Mấy năm trước, đất vùng Nhơn Trạch sốt giá, gã còn có đồng ra đồng vào. Đến lúc thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo sự túng quẫn của gã. Buồn đời, gã uống rượu đến mờ mịt đất trời.

Sẵn cơn say, để xả hết những bí bách của đời sống, gã liên tục lôi người vợ có hai con chung ra đánh. Gã đánh vợ bất kể lúc nào, bất chấp ở đâu… Chỉ cần gã có hơi men trong người là ngay lập tức, vợ trở thành vật thế thân để gã trút giận.

Nhiều năm liên tục bị bạo hành, nên hai năm trước cùng đường, chị viết đơn ly dị. Hai người con chung của chị và gã, tình nguyện theo chị.

Vừa ly dị vợ xong, gã đón ngay người phụ nữ khác về nhà sống cùng. Cũng trong thời điểm này, bà Ngà từ nhà cô con gái ở TP HCM về quê để an dưỡng tuổi già bên cạnh gã. Chắc là, bà thương gã gặp phải chuyện vợ chồng không hạnh phúc, nên bà muốn sống cạnh con trai để an ủi phần nào.

Hiểu rõ tính của gã, nên người chị gái khi đưa mẹ về sinh sống, đã dặn: “Thôi, mẹ thích ở với em thì chị chiều ý. Mỗi tháng, chị cho em 4 triệu đồng, để em lo lắng cho mẹ”. Mỗi tháng gã vẫn ngửa tay nhận tiền của chị gái để lo lắng cho bà, gã có phải mất đồng bạc nào để phụng dưỡng mẹ già đâu. Thế nhưng, gã tàn nhẫn đến độ, gã lấy bà ra để làm vật tế trong những cơn say.

Chị gái gã kể rằng, mỗi lần chị đưa các con từ TP HCM về thăm bà, bao giờ chị cũng phát hiện trên cơ thể bà những vết thâm tím. Hỏi bà, thì bà lặng thinh không đáp. Hỏi gã, gã nói gọn lỏn: “Mẹ bị tai biến, nhiều khi em đi công chuyện, mẹ đi lại trong nhà không may té ngã, chứ có gì đâu”.

Vậy đó, mà bà vẫn ở cùng với gã. Bởi có bà mẹ nào lại không thương con. Có bà mẹ nào lại không tìm đủ lý do để biện hộ giúp cho con mình, dẫu cho đứa con đó có những biểu hiện của trọng tội bất hiếu. (Nhà Phật dạy: “Hiếu vi bách hạnh chi tiên”, hiếu thảo luôn đứng đầu trong trăm hạnh phước. Nên bất hiếu luôn bị xem là một trọng tội không thể tha thứ).

Hai trạng thái tâm lý hoàn toàn khác biệt đã diễn ra trong gã và trong bà. Bà thương con, mà chắc là bà cũng tủi phận mình, bà nghĩ bà là gánh nặng cho con, nên khi gã cáu gắt mắng chửi, khi gã động tay động chân với bà, bà xem như là bà làm sai, nên gã bực bội trút giận. Hết rồi thôi, mẹ nào lại có thể nghĩ xấu về con. Còn gã, gã có xem bà là người đã sinh ra mình hay không(?!). Tôi không biết chắc, có điều chắc chắn rằng, gã chỉ xem bà như món nợ đời, vứt đi càng sớm càng tốt. Hay chỉ vì 4 triệu đồng mỗi tháng của người chị chu cấp, mà gã phải “hầu hạ” bà ngay trong chính căn nhà của bà.

Trời chiều ảm đạm

Chiều ngày 3/5/2013, gã chân đăm đá chân chiêu về đến nhà. Gã vừa uống sướng miệng tại một đám tiệc của người quen trong xã. Vừa về đến nhà, nhìn thấy bà nằm trên giường, quần áo vương vãi chất dơ, gã lại lên cơn cáu gắt, “Bà làm cái gì mà suốt ngày cứ đi vệ sinh để dính đầy quần áo. Tui còn công việc làm ăn, tui có rảnh đâu mà hầu hạ bà hoài”.

“Con thay áo quần giùm má với Phước. Má mệt người quá”, bà rụt rè đề nghị. Dường như, gã chỉ chờ có vậy. Đáp lại lời cầu xin đến tội nghiệp của bà, gã lôi bà ra sỉ vả. Gã sử dụng đủ ngôn từ để mắng bà, những ngôn từ đầu đường xó chợ, những ngôn từ nhục mạ cứ như vết dao cắt đứt tình thân.

Thấy gã mắng nhiếc bà liên tiếp, người phụ nữ vốn được xem là vợ hờ của gã bất nhẫn, nên nói với gã: “Ông phụ tui một tay khiêng má vô nhà tắm, để tui tắm rửa cho má”. Gã lẳng lặng phụ vợ hờ khiêng bà xuống nhà sau để vệ sinh, vừa khiêng miệng gã vừa không ngớt nói những lời khinh mạn.

Căn nhà nơi xảy ra vụ trọng án đau lòng.

Trong lúc vệ sinh, gã hét toáng lên: “Bà há miệng ra, súc miệng cho sạch đi”. Chắc là tủi phận, chắc là còn giận đứa con trai ngỗ nghịch, nên bà không làm theo lời gã. Đến lúc này, gã không còn là người nữa, gã thẳng tay tát vào mặt bà. 

Bà khóc, chắc không phải vì đau. Bà khóc là bởi ngoài nước mắt ra, bà còn thứ vũ khí gì để tự vệ cho mình nữa đâu. Gã đàn ông vô nhân tính là con trai của bà thấy bà khóc, lạnh lùng dùng tay bóp miệng bà để ép bằng được bà phải súc miệng theo ý gã. Nghe kể rằng, vừa bóp miệng, gã vừa dùng đũa thọc vào miệng bà như một cách để răn đe. Còn đạo lý nào cho hình ảnh đầy oan khiên đó nữa không(?!). Tuyệt nhiên, đã không còn đạo lý nào nữa, ngôn ngữ của tôi bất lực hoàn toàn.

Bà dùng tay, phản ứng yếu ớt, bà gạt tay gã ra. Gã, dùng cái đũa vừa thọc vào miệng mẹ ruột mình, dùng chính chiếc đũa ấy đâm vào sau vùng ót của bà.

82 tuổi, bỏ lại thời thanh xuân lo chồng chăm con. 82 tuổi, cơn tai biến khiến bà quị ngã. 82 tuổi, vẫn mong bình an bên cháu bên con. Thế nhưng, 82 tuổi, bà lại đón nhận cơn bi kịch đến cùng quẫn của đời người. Đau đớn thay, kẻ tạo ra nguồn cơn của bi kịch lại chính là đứa con trai ruột của bà. Bà bị con trai ruột mắng nhiếc trong lúc quần áo đang còn vương chất bẩn. Bà bị con trai ruột đánh trong lúc đang tắm… Bà hứng chịu những oan nghiệt ấy, trong lúc bà đang cần nhất sự quan tâm chăm sóc của con.

Hàng xóm kể lại rằng, nghe trong nhà bà vọng ra nhiều tiếng quát nạt, họ cứ nghĩ gã đánh cô vợ hờ. Vì trước đó vài ngày, gã đã đánh cô thừa sống thiếu chết. Họ tính vào can ngăn mấy lần, nhưng họ ngại cái chuyện “đèn nhà ai nấy rạng” nên thôi. Họ có ngờ đâu, gã đang đánh mắng bà. “Tui đứng ngoài đường nhìn vào, thì thấy ông Phước đang lôi xềnh xệch ai đó dưới nền nhà. Mãi sau mới biết ông Phước đang lôi mẹ ruột của ổng. Đồ ác nhân”, người hàng xóm nói vậy.

Trận đòn của gã dành cho bà chỉ kết thúc, khi cô vợ hờ của gã la lên hoảng sợ vì phát hiện bà bị chảy nhiều máu từ vết thương do gã gây nên. Lúc này, gã lôi bà từ nhà tắm lên đến cái giường nơi bà vẫn nằm mỗi ngày. Quẳng bà lên giường, gã bỏ đi.

Thấy bà ra nhiều máu, cô vợ hờ của gã vội vàng đến tiệm thuốc tây gần nhà để mua bông băng về cầm máu cho bà. Trong lúc đang loay hoay lau vết thương của bà, cô nhận ra rằng, bà đã chết. Biết gã đã gây ra chuyện nghiêm trọng, cô gọi điện thoại trình báo toàn bộ sự việc đến Công an xã Phước Đại. Vụ việc nhanh chóng được báo cáo lên Cơ quan Công an huyện Nhơn Trạch.

Ngay trong đêm ấy, gã con ác ôn bị bắt khẩn cấp. Công tác khám nghiệm tử thi còn cho thấy những chi tiết đắng lòng hơn. Trên thân thể của bà có nhiều vết bầm tím, mới có, cũ có… Ở phần gáy, có một vết thủng do bị đâm, máu vương vãi khắp nơi tại hiện trường vụ án là chính căn nhà của bà.

Lê Văn Phước tại Công an xã Phước Đại.

Tại Cơ quan Công an, gã đã thừa nhận hoàn toàn hành vi tội ác. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ gã để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

"Biển Đông" đã cạn…

Mấy hôm trước, tôi đọc trên báo thấy có việc rất thương tâm. Người phụ nữ ở xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau… đã chọn giải pháp quyên sinh để không phải ảnh hưởng đến chồng con. Nhà chị nghèo, nên khi người con đầu đậu vào trường cao đẳng, thì cuộc sống càng thêm bí bách. Thêm chuyện không may, chị mắc phải nhiều chứng bệnh như suy tim, liệt dây thần kinh số 7… Chị đã làm mọi cách để xoay xở, nhưng túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu. Nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình, chị đã tự vẫn để khỏi ảnh hưởng đến chồng con.

Một người phụ nữ khác, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chị còn trẻ, 35 tuổi. Chị lập gia đình, có được hai con. Cuộc sống đang yên lành thì chị phát hiện ra mình mắc nhiều căn bệnh cùng lúc. Nghèo, tiền ăn có ngày trước còn phải lo ngày sau thì lấy đâu ra tiền chữa bệnh. Tuyệt vọng, thương chồng với con phải nhịn ăn để chắt chiu dành dụm cho mình chữa bệnh, nên chị nhảy sông Ngân Sơn tự tử. May mà, người qua đường kịp cứu chị ngay giữa dòng sông.

Từ xưa nay, người phụ nữ nước mình vẫn vậy. Họ có sống gì cho riêng họ đâu, nhất nhất nghĩ về chồng, nhất nhất nghĩ về con. Dường như, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là thấy chồng vui, là được thấy con ngoan. Họ nhận hết phần thiệt thòi về phía mình. Nhận lãnh một cách đầy chủ động mà không hề ta thán. Chăm chồng, lo cho con, tuổi già may mắn còn được sức khỏe, lại tiếp tục chăm cháu. Có bao giờ họ được nghỉ ngơi, được sống cho chính họ(?!), như ca dao xưa “Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, hay “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”.

Tôi tin rằng, không bậc cha mẹ nào yêu thương và lo lắng cho con bằng tất cả sức lực, khả năng chỉ để mong chờ ngày con lớn lên và phụng hiếu lại. Tuyệt đối, sự yêu thương chỉ muốn cho đi, không bao giờ nghĩ sẽ nhận lại như thế nào.

Trở lại câu chuyện đầy oan nghiệt của bà Ngà. Bà mất rồi, những bất hạnh, những đau đớn về tinh thần, thể xác… đã khép lại. Bà không còn phải nghe lời nhiếc móc của con ruột mình, không phải chảy nước mắt chịu trận khi bị gã ngược đãi. Hiu hắt lòng, tự dưng lại bật ra câu tự vấn: “Bà có trách gã không?”. Chắc chắn là không, hẳn nhiên là không. Không người mẹ nào lại đi trách cứ con mình dẫu cho đó có là trọng tội. Chắc là trong bà, gã vẫn cứ bé dại như ngày nào, thời bà ẵm bồng bú mớm, "con dù lớn vẫn là con của mẹ".

Tôi nhớ, tiếng khóc con của người mẹ bị con sát hại (may mắn là thoát chết) ở Long An, nhắc đến đứa con trai duy nhất đã bị Công an bắt giữ, bà chỉ lặp lại một câu hỏi duy nhất: “Sao con đối xử với má như vậy, Út ơi?”.

Có khi, bà Ngà cũng đang muốn bật lên câu hỏi đó dành cho Lê Văn Phước. Nhưng, bà đã không thể hỏi bằng lời…

Không nhẽ, với nghịch tử này, "biển Đông" thật sự là đã cạn(!)

Article source: http://www.voc.org.vn/Tin-Tuc/Tour-Xe-Dap-Toan-Quoc-Ve-Nong-Thon-Tranh-Cup-Bvtv-An-Giang-Lan-Thu-18-2013-Hon-300-Trieu-Dong-Tien-Thuong/2498/cbo.vn



0 nhận xét:

Đăng nhận xét