Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Cơ sở nào để xác định giám định pháp y nhiều lần?


Bác sĩ Lê Ngọc Hùng.

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc thắc mắc về kết quả giám định thương tật (GĐTT) lần thứ hai, ba đối với người bị hại thường thấp hơn so với lần đầu. Để làm rõ điều này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm pháp y Đồng Nai. Bác sĩ Hùng cho biết:

- Có thể trong quá trình điều tra các vụ gây thương tích, nạn nhân cho rằng kết quả GĐTT của mình thấp hơn thực tế, nên muốn giám định lại. Cũng có trường hợp, người gây chấn thương cho nạn nhân thấy kết quả giám định tỷ lệ thương tật cao, không tin tưởng số liệu ban đầu, vì thế mới đề nghị cơ quan điều tra cho giám định lại. 

* Thông thường, kết quả giám định thương tật lần thứ hai hoặc ba trở đi khác nhiều so với lần đầu. Ví dụ, ở Tân Phú xảy ra vụ hành hung khiến nạn nhân bị trọng thương. Lần đầu giám định thương tật là 29%, sau 6 tháng khi được giám định lại thì tỷ lệ thương tật chỉ còn 10%, chênh lệch 19%. Vậy nguyên nhân nào lại có kết quả như vậy, thưa bác sĩ?

- Thực tế, nếu tuân thủ tất cả các quy trình của GĐTT thì kết quả lần thứ hai so với lần đầu là rất thấp, chỉ chênh lệch khoảng 2%. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã có sự khác nhau. Vụ việc ở Tân Phú có hai nơi giám định. Kết quả 29% do Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đồng Nai thực hiện, còn kết quả 10% là do Viện Pháp y quốc gia tiến hành. Sở dĩ có sự chênh lệch cao như vậy, vì trong quá trình GĐTT lần thứ hai, Viện Pháp y quốc gia đã không đưa tổn thương vỏ xương trán của nạn nhân vào hồ sơ giám định nên tỷ lệ thương tật chỉ còn 10%. Như vậy, sự khác nhau về tỷ lệ phần trăm thương tật là do yếu tố thời gian và cơ quan giám định khác nhau.

* Thưa bác sĩ, từ những kết quả GĐTT cách biệt, tòa án sẽ căn cứ vào đâu để phán quyết?

- Đây là điểm rất đáng lưu ý. Bởi sự không trùng khớp này ảnh hưởng khá lớn đến quá trình xét xử. Vì nếu giữ nguyên kết quả GĐTT ban đầu thì người đánh sẽ bị tuyên án nặng hơn so với kết quả lần thứ hai. Trong vụ việc cố ý gây thương tích ở Tân Phú, trong khi Trung tâm pháp y tỉnh khẳng định, nạn nhân bị chấn thương nhiều vùng trên đầu thì Viện Pháp y quốc gia lại cho rằng chỉ chấn thương vùng mũi, không thấy vết nứt trên trán nên tỷ lệ giám định của hai bên khác rõ rệt. Hai bên đã tranh cãi rất nhiều về vấn đề này, nhưng cuối cùng chẳng có gì thay đổi.

* Như vậy, thời gian giữa hai lần GĐTT làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả giám định phải không, thưa bác sĩ?

- Điểm gây tranh cãi ở vụ án này là việc vết nứt trên trán nạn nhân sau thời gian 6 tháng đã lành, rất khó phát hiện. Một điều nữa là trong y chứng của Bệnh viện đa khoa Tân Phú không ghi về vết nứt trên trán, chỉ khi chúng tôi kiểm tra thì mới phát hiện được. Trong khi đó, Viện Pháp y quốc gia kiểm tra lần sau thì không thể phát hiện được vì qua thời gian, vết nứt đã lành. Bởi vậy lâu nay, khi giám định lần thứ hai, thứ ba thường dễ bỏ sót những vết thương ban đầu của nạn nhân lúc mới bị nạn. Mặt khác, khi tiến hành giám định, cơ quan giám định pháp y sẽ dựa vào y chứng, tức giấy chứng nhận thương tích do bệnh viện cung cấp. Đó là những thông tin về mức độ, tình trạng thương tật của người đi giám định trong y chứng. Theo đó, một khi giấy y chứng bỏ sót yếu tố nào, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến GĐTT. Như vậy, điều quan trọng nhất là trong y chứng phải xác định cụ thể, đầy đủ các vết thương của nạn nhân.

*  Thưa bác sĩ, khi giám định tỷ lệ thương tật, người đi giám định được khám như thế nào?

- Việc GĐTT để xác định được mức độ tổn hại về sức khỏe của người đi giám định. Ngoài ra, GĐTT còn để xác định được vật gây thương tích, các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học và nguyên nhân gây thương tích trên cơ thể nạn nhân. Chính vì thế, quy trình giám định phải khoa học, chính xác, khách quan. Người đi giám định sẽ được chỉ định khám chuyên khoa, như: chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI…), xét nghiệm chức năng (thận, gan, hô hấp, tim…), đánh giá sức khỏe, đo điện tim, điện thần kinh cơ, điện não đồ, khám cận lâm sàng (tai, mũi, họng, mắt, răng, hàm, mặt). Chính vì vậy, tôi khẳng định một điều, mọi trường hợp GĐTT do Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đồng Nai thực hiện đều rất chặt chẽ.

* Xin cảm ơn ông!

Minh Đăng (thực hiện)        

 

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét