Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

ASEAN đoàn kết đóng vai trò quan trọng để giải quyết vấn đề Biển Đông


Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết, trong cuộc Họp báo vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, các diễn giả cũng như các phóng viên quốc tế cùng chia sẻ quan điểm rằng ASEAN phải có tiếng nói quan trọng trong việc tìm giải pháp bảo đảm hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Tối 22-8, trong một nỗ lực nhằm thể hiện sự quan tâm đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài tại thủ đô Bangkok tổ chức cuộc Họp báo với chủ đề Chủ quyền trên Biển Đông. Ba vị khách mời của buổi họp báo là: Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam; ông Henry Bensurto, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines và ông Kavi Chongkittavorn, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngay sau khi trở về từ Thái Lan chiều tối 24-8, tiến sĩ Lan Anh nói: "Việt Nam trước sau vẫn cho rằng phải sử dụng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Việt Nam sẵn sàng đàm phán, thương lượng với các bên liên quan và cũng không loại trừ các giải pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế công nhận và sử dụng".

Ba khách mời của cuộc họp báo (từ trái qua): ông Henry, ông Kavi, tiến sĩ Lan Anh. Ảnh: CTV

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Lan Anh đã nêu ra các vấn đề liên quan tới các cuộc tranh chấp hiện tại, vai trò của các khuôn khổ pháp lý và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tiến sĩ Lan Anh cho rằng để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, các bên cần sử dụng các biện pháp hòa bình như trao đổi quan điểm, hòa giải, các cơ quan tài phán và giải quyết trên cơ sở áp dụng luật pháp quốc tế. Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp thông qua việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện của Tuyên bố này.

Cùng chung quan điểm này, ông Henry Bensurto kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần hợp tác và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Trong khi đó, phần phát biểu của ông Ca-vi lại nhấn mạnh sự đoàn kết của ASEAN.

Về vấn đề này, chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ Lan Anh cho biết các diễn giả cũng như các phóng viên quốc tế đều chia sẻ quan điểm rằng ASEAN phải có tiếng nói quan trọng trong việc tìm giải pháp hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Về mối liên hệ giữa ASEAN và vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn cho rằng Biển Đông không phải là một vấn đề riêng của quốc gia nào vì ít ra có bốn nước thành viên ASEAN là những bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp và 7 trong 10 quốc gia thành viên là các quốc gia ven Biển Đông. Các thành viên khác cùng chia sẻ lợi ích chung của hòa bình, ổn định, an ninh trên Biển Đông. Nếu không giữ được hòa bình, ổn định trên Biển Đông thì bất kỳ quốc gia thành viên ASEAN nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc đưa Biển Đông vào một trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của ASEAN là vô cùng cần thiết, đồng thời việc ASEAN có một tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông là một điều rất logic và phù hợp với lợi ích chung của cả cộng đồng.

"Dù vậy, nhiều phóng viên cũng quan ngại làm cách nào để có thể huy động được sự thống nhất, đoàn kết sau sự cố đáng tiếc diễn ra tại Cam-pu-chia. Trong thời gian tới, các nước thành viên ASEAN cần phát huy những nỗ lực và tinh thần trách nhiệm như những gì Indonesia đã thể hiện. Hy vọng với việc tổ chức buổi họp báo này, Thái Lan sẽ có cơ hội đóng một vai trò thiết thực hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong thời gian là điều phối viên của quan hệ ASEAN – Trung Quốc", Tiến sĩ Lan Anh chia sẻ. "Trong thời gian tới, ASEAN nên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thúc đẩy đàm phán COC với Trung Quốc", Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông nói.

Được biết, rất nhiều phóng viên không chỉ Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc mà các phóng viên quốc tế khác cũng có mặt theo dõi cuộc họp báo. Khi được đề nghị đánh giá về cuộc họp báo, tiến sĩ Lan Anh nói: "Cuộc họp báo diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn. Phản ứng chung của phóng viên quốc tế là thông cảm, chia sẻ với Việt Nam và họ cũng hiểu được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề không phải từ phía Phi-líp-pin hay Việt Nam mà là từ quốc gia khác".



0 nhận xét:

Đăng nhận xét