Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Nước mắt da cam


Nếu như Nguyễn Thị Tường Vân (19 tuổi, ngụ ở tổ 6, KP1, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa) khá xinh xắn, thông minh thì cô em gái song sinh của Vân là Nguyễn Thị Hoài Trâm lại phải sống đời thực vật do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…

Chị Nguyễn Thị Loanh, mẹ của Vân và Trâm kể rằng, ngày hay tin mình cấn thai, vợ chồng chị vui mừng khôn xiết vì gia đình sắp có thêm thành viên mới. Thế nhưng niềm vui đó tắt lịm sau khi hai vợ chồng được bác sĩ cho hay cô em gái song sinh với Vân có nhiều dấu hiệu bệnh lý khác thường.

* Nước mắt người mẹ

Khi sinh Trâm ra, cả nhà đều nuôi hy vọng Trâm sẽ sống và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Vì vậy, hai vợ chồng chị đi tìm bác sĩ ở nhiều nơi, tới nhiều bệnh viện, thế nhưng cuối cùng các bác sĩ đều lắc đầu vì bệnh tật của Trâm vô phương cứu chữa do nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Cứ mỗi lần ôm em gái song sinh với mình vào lòng, Nguyễn Thị Tường Vân lại thấy đắng lòng.  Ảnh: T.Minh
Cứ mỗi lần ôm em gái song sinh với mình vào lòng, Nguyễn Thị Tường Vân lại thấy đắng lòng. Ảnh: T.Minh

Khi lên 7 tuổi, Vân được đến trường còn Trâm cứ mãi co ro ở xó nhà. Chị Loanh xúc động kể: "Gần 20 năm nhưng bàn chân của Trâm chưa lần nào chạm đất, chưa từng được biết thế giới bên ngoài 4 bức tường nhà. Mỗi lần thấy con đưa mắt ngó dáo dác xung quanh, lòng tôi cứ thắt lại".

Không ít lần bắt gặp giọt nước mắt của chồng, của Vân mỗi khi ngồi bên Trâm, chị đều quay mặt giấu đi sự tủi phận. Nhà nghèo, con bệnh, bản thân mình không thể đi làm vì phải trông chừng Trâm suốt ngày nên toàn bộ gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của người chồng.

* Niềm kỳ vọng của gia đình

Nhà có hai cô con gái nhưng Trâm vốn đã không được hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần như bao người nên  kỳ vọng của cả nhà dồn vào Vân. Hiểu rõ trách nhiệm của mình và niềm mong mỏi của cha mẹ nên 12 năm liền Vân đều là học sinh có thành tích học tốt.

Ngoài giờ học, Vân còn tranh thủ phụ mẹ chăm sóc cho Trâm. Vân tâm sự: "Lúc hay tin Trâm nhiễm chất độc da cam, cha mẹ sợ em cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng may thay đến giờ sức khỏe em vẫn bình thường".

Tháng 8-2011, nhận được kết quả đậu vào Khoa kinh tế Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Vân vỡ òa hạnh phúc. Rồi không lâu sau, chính em lại băn khoăn với nỗi lo "cơm áo gạo tiền" cho việc trang trải học tập. Đem những trăn trở của mình tâm sự với mẹ, Vân nhận được những lời động viên bởi hơn ai hết mẹ em hiểu rằng chỉ có con đường học vấn mới giúp em thoát khỏi cảnh nghèo và vực dậy những khó khăn của gia đình.

Những ngày đầu rời vòng tay cha mẹ để lên Thủ Đức học, Vân không nguôi nỗi nhớ nhà và cô em gái nhỏ. Lúc còn ở nhà, những khi đút cơm, thay đồ, xoa nắn tay chân cho Trâm, Vân đều giúp mẹ, có khi em giành làm một mình. Giờ ở xa, chắc chắn mẹ vẫn sẽ chăm sóc tốt cho Trâm nhưng Vân vẫn không yên. Bởi vậy, cứ lúc nào rảnh là em lại tất tả đón xe buýt về nhà để cùng mẹ trông nom Trâm.

Vân thổ lộ: "Em muốn sau khi ra trường sẽ tìm một công việc ở Biên Hòa để tiện việc chăm sóc Trâm. Hai đứa cùng sinh ra mà Trâm chịu nhiều thiệt thòi quá. Biết bao nhiêu tiền của dồn vào chạy chữa mà bệnh của Trâm nào có thuyên giảm".

Tùng Minh

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét