Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Được và mất khi xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Ngày 23-4, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long – Gia Lai (đơn vị chủ đầu tư) về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhằm thu thập ý kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội xem xét.


Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai và các bộ ngành liên quan..

Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích hơn 71 nghìn ha, là lá phổi khổng lồ điều tiết cho cả khu vực Đông Nam bộ, là một trong tám Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Vị trí hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ở phía bắc khu vực Cát Lộc của Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận hai xã Đồng Nai Thượng và Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) với diện tích chiếm đất của hai dự án hơn 372 ha, trong đó diện tích đất chiếm vĩnh viễn hơn 323ha (trong số này có 137 ha rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên).

Lợi ích

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là hồ chứa nhỏ trung chuyển nước của các thủy điện nằm ở phía trên thượng lưu nên cơ bản vào mùa khô lưu lượng nước tăng lên, còn mùa mưa không thể làm tăng thêm lũ. Chính phủ đang xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai. Thiết kế và quy trình vận hành các thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A hoàn toàn đáp ứng được theo yêu cầu vận hành liên hồ.

Đại diện của Bộ Công thương so sánh, nếu hai dự án này triển khai, điện lượng sản xuất hàng năm hơn 929 triệu kWh, giảm được bốn triệu tấn than một năm để sản xuất điện.

Trong 137ha rừng thuộc Vườn quốc gia Cát tiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra số liệu: rừng nghèo chiếm 25%; rừng lồ ô, rừng bụi chiến 51%.

Nói về lợi ích kinh tế, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long – Gia Lai Bùi Pháp cho biết, với diện tích chiếm đất của hai dự trên tương đương tỷ lệ 1,34ha/MW (Đồng Nai 6 là 1,27ha/MW, Đồng Nai 6A là 1,44ha/MW) là thấp so với bình quân các dự án thủy điện khác.

Ông Bùi Pháp cũng lập luận, do hồ chứa nhỏ, "hai dự án thủy điện nói trên hầu như không có ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu cũng như đối với khu vực Bàu Sấu (Vườn Quốc gia Cát Tiên)". Xét về hiệu ích kinh tế, hai dự án này nếu được xây dựng có hiệu quả cao về kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế xã hội của địa phương; đóng góp cho ngân sách nhà nước từ các khoản thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp… hằng năm là 325 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lượng điện có thể cung cấp đủ lượng tiêu thụ cho ba tỉnh Lâm Đồng, Đác Nông, và Bình Phước.

Thiệt hại

Không đồng tình với các ý kiến trên, ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai phản biện, tổng công suất của hai nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6 A theo thiết kế là 241 MW. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu điện theo Sơ đồ VII đến năm 2020 với 75 nghìn MW chỉ chiếm rất ít trên 0,3 % và chỉ chiếm 0,06% tổng công suất tính đến năm 2030 trong tổng số 146.800 MW. Như vậy, phần đóng góp điện năng của hai dự án này "không đáng kể và hoàn toàn có thể thay thế bằng các dự án năng lượng bền vững khác, trong khi phần tác động về môi trường, xã hội và sinh thái được xác định là rất lớn và khó có thể phục hồi."

Tính từ năm 2006-2012, việc xây dựng các thủy điện làm mất gần 20 nghìn ha rừng, thế nhưng cho đến nay việc trồng bù lại rừng mới chỉ đạt khoảng 3%, đây là sự mất rất lớn.

Còn xét về mặt pháp lý, hai dự án trên vi phạm Nghị quyết 49 của Quốc hội ban hành năm 2010 vì dự án chiếm dụng diện tích của vườn quốc gia đến 170 ha, trong khi theo Nghị quyết 49 của Quốc Hội chỉ chiếm 50 ha vườn quốc gia là phải trình Quốc Hội xem xét. Hai dự án này còn vi phạm điều 7 Luật Đa dạng sinh học.

Theo ông Vở, lưu vực sông Đồng Nai có vị trí vô cùng quan trọng đối với đời sống của hơn 20 triệu cư dân, là vùng phát triển và tăng trưởng năng động nhất, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của cả nước.

Vườn quốc gia Cát Tiên là viên ngọc quý giá nằm giữa lưu vực sông Đồng Nai và là một phần trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Hồ sơ đề nghị công nhận nơi đây trở thành Khu di sản thiên nhiên thế giới cũng đang được hoàn tất. Do đó, nếu xây dựng hai dự án này sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng đến việc UNESCO xem xét và công nhận là di sản thiên nhiên thế giới – ông Vở nhận định.

Trong khi đó, ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai nói thêm, lợi ích kinh tế của hai dự án trên mang lại là "không lớn so với những cái mất để lại".

Ông Chánh khẳng định, việc triển khai hai dự án này sẽ làm cạn kiệt nước vào mùa khô, tăng lũ lụt vào mùa mưa. Ngoài ra còn phá vỡ dòng chảy của sông Đồng Nai – dòng sông nội sinh duy nhất của cả nước.

Nhận xét về bản đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, đơn vị chủ đầu tư chưa làm rõ nhiều vấn đề như sự thay đổi dòng chảy, ranh giới các dự án xây dựng thủy điện, ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên cũng như diện tích rừng bị mất…

Trước quan ngại về tác động tiêu cực nhiều mặt của hai dự án trên đối với môi trường, xã hội và sinh thái đối với lưu vực sông Đồng Nai, ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, Thường trực Tỉnh uỷ, Đoàn đại biểu Quốc Hội, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản lên Trung ương chính thức phản đối việc xây dựng hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với trách nhiệm cao nhất của Đảng bộ, chính quyền trước nguyện vọng của nhân dân Đồng Nai.

Vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Trần Văn Tư kiến nghị với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội loại bỏ hai dự án này.

Chiều nay (23-4), Đoàn Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đi khảo sát thực tế vị trí xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

Article source: http://dantri.com.vn/xa-hoi/du-an-thuy-dien-dong-nai-6-6a-co-bu-duoc-rung-bi-huy-hoai-723020.htm



0 nhận xét:

Đăng nhận xét