Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Bảo đảm quyền lợi khám bảo hiểm y tế cho trẻ như thế nào?



 

Từ những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến thủ tục làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhằm đảm bảo quyền lợi của lứa tuổi này trong việc khám, chữa bệnh (KCB), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về những quy định liên quan vấn đề nêu trên. Ông Mai cho biết:

- Hiện vẫn còn khoảng 30% trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT. Các cháu chưa có thẻ khi đi khám bệnh thường được người thân trình giấy chứng sinh, giấy khai sinh để được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ, đồng thời gây khó khăn cho bệnh viện, cũng như cơ quan BHXH trong việc theo dõi và quản lý.

* Thưa ông, vì sao nhiều trẻ chưa có thẻ BHYT?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng cơ bản là phụ huynh chưa quan tâm đến việc làm thẻ BHYT cho con em mình. Chính vì vậy, căn cứ vào Luật BHYT, cho phép trẻ dưới 6 tuổi đi khám bệnh bằng giấy khai sinh thay cho thẻ BHYT nên phụ huynh chủ quan, không thấy được trách nhiệm của mình trong việc phải đăng ký cho con thụ hưởng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm lập danh sách làm thẻ BHYT; lãnh đạo một số phường, xã chưa quan tâm đúng mức đến việc này. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Vì theo quy định của Luật BHYT thì UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình phải có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BHYT…, trong đó có việc làm thẻ cho các cháu. 

* Đa phần các trường hợp trẻ không có thẻ BHYT, chủ yếu là con của những người lao động tạm trú, vậy thủ tục cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng này như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định, khi cấp thẻ BHYT cho trẻ em thì không phân biệt đối tượng trẻ tạm trú hay thường trú. Thủ tục cấp thẻ rất đơn giản, phụ huynh chỉ cần mang giấy khai sinh của trẻ dưới 6 tuổi (nếu thuộc diện tạm trú thì mang thêm giấy tạm trú) đến UBND phường, xã đang cư ngụ để đăng ký xin cấp thẻ. Sau đó, UBND phường, xã lập danh sách trình BHXH huyện, thị xã, thành phố. Sau khi in thẻ BHYT, UBND phường, xã sẽ phát đến tận gia đình; hoặc cha mẹ tự đi lấy.


 

* Khi trẻ không có thẻ BHYT thì quyền lợi KCB miễn phí của trẻ có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

- Các cháu đi KCB ở xã, phường mà dùng giấy khai sinh thì ít bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Nhưng khi KCB ở tuyến tỉnh hoặc ngoài tỉnh thì quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Do khi có thẻ BHYT, phụ huynh sẽ chủ động biết nơi cần đến khám sức khỏe ban đầu. Nếu bệnh nặng, trẻ sẽ nhanh chóng được chuyển viện theo đúng tuyến để đảm bảo cho các cháu được BHYT chi trả toàn bộ. Còn khi không có thẻ, các cháu vẫn được khám bệnh bằng cách trình giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Nhưng do không biết nơi cần khám ban đầu nên phụ huynh thường thiếu sự chủ động; nhiều trường hợp tự đi vượt tuyến và vẫn phải nộp tiền KCB cho trẻ. Đợt tăng viện phí vừa rồi không ảnh hưởng gì đến quá trình KCB cho trẻ, vì theo quy định của Luật BHYT, các bé dưới 6 tuổi không phải chi trả mọi khoản chi phí, mà được BHYT thanh toán 100%, một khi khám bệnh đúng tuyến.

Kim Liễu (thực hiện)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét