Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Xã Bắc Sơn kéo giảm tệ nạn ma túy


Địa bàn có các khu công nghiệp Sông Mây và Hố Nai, với lượng người nhập cư khá đông và những bất ổn về an ninh trật tự (ANTT) đi kèm, nên chính quyền xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) xác định bằng mọi giá phải kéo giảm các loại tệ nạn xã hội, nhất là ma túy.

* Nỗ lực kéo giảm đối tượng nghiện

Ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó trưởng Công an xã Bắc Sơn cho biết, từ năm 2008-2010, Bắc Sơn là một trong những "điểm nóng" về ma túy của huyện Trảng Bom với số người nghiện lên tới 31. Các đối tượng mua bán, sử dụng ma túy gồm nhiều thành phần trong xã hội và luôn thay đổi phương tiện, địa điểm hoạt động nhằm tránh sự truy quét của công an. Xác định tệ nạn ma túy sẽ làm phát sinh những hệ lụy xấu đến xã hội, lãnh đạo UBND xã đã áp dụng các biện pháp, như: tiếp xúc, trao đổi để động viên người sử dụng ma túy đi cai nghiện, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh để răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung. Vì vậy, tính đến hết tháng 8-2012, đã có 18 người cai nghiện ma túy thành công.

Để kéo giảm ma túy tại địa phương, Công an xã Bắc Sơn đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các hộ gia đình để nhận được sự phối hợp của người dân.
Để kéo giảm ma túy tại địa phương, Công an xã Bắc Sơn đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các hộ gia đình để nhận được sự phối hợp của người dân.

Ông Đạt cho biết: "Một số người cai nghiện tại cộng đồng, số còn lại được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau khi cai nghiện, họ phải về địa phương trình báo để địa phương nắm, tạo điều kiện cho họ tìm việc làm phù hợp để tránh bị bạn bè cũ lôi kéo". Dù làm chặt như vậy, nhưng vẫn có nhiều người nghiện ma túy tái nghiện, vì thiếu sự quan tâm của gia đình và bản thân họ vẫn chưa quyết tâm từ bỏ ma túy.

Ông Đạt chỉ rõ nhược điểm: "Nhiều gia đình, dù biết con em mình sử dụng ma túy, nhưng bất hợp tác với cơ quan chức năng. Do sợ bị kỳ thị và ngại với xóm làng, họ cố che giấu chuyện con em mình nghiện. Đến khi chúng tôi tiến hành test và đưa ra kết quả họ mới chấp nhận". Phần lớn những gia đình có con em sử dụng ma túy ở xã đều thuộc diện khó khăn, đông nhân khẩu, do thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ nên các em sớm vướng vào ma túy. "Nếu gia đình quan tâm, gần gũi với con cái hơn, thì sẽ giảm đáng kể tình trạng hút chích, tái nghiện ma túy. Phần lớn họ đều có tâm lý xem đây là việc của công an nên cứ bỏ mặc, đến lúc xảy ra chuyện mới hối tiếc" – ông Đạt tâm sự.

* Đẩy mạnh công tác  tuyên truyền

Xác định địa bàn phức tạp cần kéo giảm tệ nạn ma túy nên thời gian qua, Công an xã Bắc Sơn không ngừng nỗ lực lập lại ANTT địa bàn. Trong đó, công tác giám sát lượng người đến địa phương tạm trú luôn được chú trọng. Ở những khu vực vắng vẻ là "bãi đáp" lý tưởng cho con nghiện, lực lượng tuần tra luôn ưu tiên "ghé mắt". Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, còn có sự phối hợp đồng bộ từ tổ, ấp và các hộ gia đình.

Xã Bắc Sơn cũng đã huy động tất cả lực lượng của địa phương vào cuộc nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục song song với việc quản lý. Đầu tháng 5-2012, công an xã đã lập danh sách và mời tất cả chủ nhà trọ, nhà nghỉ, tiếp viên các quán ăn, karaoke… đến trụ sở UBND xã để tuyên truyền về tác hại của ma túy. Qua đợt phát động, công an xã thông báo các phương thức hoạt động của các loại tội phạm và cách phòng ngừa, phát hiện. Công an xã còn cung cấp số điện thoại của các đồng chí công an xã cho người dân để họ gọi đến khi phát hiện các vụ việc vi phạm về ANTT, tệ nạn xã hội. Ông Đạt cho hay: "Nhận được tin báo của người dân, công an xã liền đến hiện trường để giải quyết. Người dân thấy chúng tôi làm mạnh tay và nhiệt tình nên tin tưởng và mạnh dạn tố giác hoạt động phạm pháp, tệ nạn xã hội".

Trong tháng 8-2012, Công an xã Bắc Sơn đã tổ chức sinh hoạt tổ nhân dân và nghe họ phản ảnh tình hình ANTT và nghi vấn về các đối tượng có nguy cơ sử dụng ma túy. Tại những buổi tiếp xúc như vậy, nhiều người dân đã nêu ý kiến đóng góp và ủng hộ lời kêu gọi của công an xã trong việc kéo giảm ma túy tại địa bàn. Trong đó, mỗi thành viên trong các hội: Liên hiệp phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh… đều làm cam kết không để con em vướng vào ma túy. Đối với những đối tượng sau cai nghiện, địa phương sẽ theo dõi thường xuyên nhằm ngăn ngừa tình trạng tái nghiện. Những đối tượng này sẽ được giới thiệu công việc tùy theo khả năng để hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Nhớ lại một trường hợp sử dụng ma túy bị đưa đi cai nghiện bắt buộc vào tháng 7-2012, ông Đạt không khỏi xao lòng: "Chúng tôi vào nhà thì cha mẹ đối tượng đều đi vắng. Nhà nghèo lại đông con, họ mãi lo kiếm tiền mà quên mất việc giáo dục con cái. Lúc hay tin đối tượng nghiện ngập, họ lại bỏ mặc… Vì vậy, để kéo giảm tệ nạn ma túy ở địa bàn, ngoài trách nhiệm của công an, mỗi gia đình phải thực sự quan tâm đến con em mình". 

Tùng Minh

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét