Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Vườn quốc gia Cát Tiên: Được đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt


Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch vừa trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị cho ý kiến thẩm định về 11 di tích thuộc 12 tỉnh, thành phố, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt 3, trong đó có danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước).

Một góc Vườn quốc gia Cát Tiên. (Ảnh tư liệu)
Một góc Vườn quốc gia Cát Tiên. (Ảnh tư liệu)

Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập theo Quyết định số 08/CT ngày 13-1-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở mở rộng diện tích của Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên, Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Vườn quốc gia Cát Tiên bao gồm 2 vùng tách biệt: Phần phía Bắc thuộc huyện Bảo Lâm và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, phía Bắc và Tây Bắc là ranh giới giữa tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông – sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên; phía Đông, Đông Nam trùng với ranh giới hành chính các xã: Lộc Bắc (năm 1997 đã tách ra làm 2 xã là: Lộc Bắc và Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm); xã Đồng Nai Thượng, xã Phước Cát (huyện Cát Tiên). Phần phía Nam nằm ở huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai); huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) có ranh giới phía Bắc trùng với ranh giới huyện Bù Đăng, phía Đông Bắc có ranh giới trùng với ranh giới huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng). Phía Đông và Đông Nam là sông Đồng Nai; phía Nam và Tây Nam giáp thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).

Căn cứ Quyết định số 173/2003/QĐ-TTg ngày 19-8-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh ranh giới Vườn quốc gia Cát Tiên, hiện diện tích toàn vườn (vùng trung tâm) là 71.920 hécta, trong đó: địa phận tỉnh Đồng Nai: 39.627 hécta; địa phận tỉnh Lâm Đồng: 27.850 hécta; địa phận tỉnh Bình Phước: 4.443 hécta.

Danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên có phức hệ đa dạng các cảnh quan thiên nhiên đẹp, các hệ sinh thái, các dạng sống, các giống loài phong phú. Rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên có giá trị khoa học cao, là nơi cung cấp lý tưởng các mẫu vật của hàng ngàn loài thực vật, động vật, là địa bàn để tổ chức các nghiên cứu về nhiều lĩnh vực: sinh vật học, sinh thái học, lý sinh, hóa sinh, đa dạng sinh học, sinh học bảo tồn, địa chất, thủy văn, khí tượng…

Thanh Hải – Hồng Hoa

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét