Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 1-10: Thiết thực chăm lo người cao tuổi


Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", Đồng Nai đã có nhiều hình thức chăm lo người cao tuổi (NCT) hiệu quả và thiết thực.

Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội, Phó ban thường trực Ban công tác NCT tỉnh cho biết: NCT ở Đồng Nai hiện chiếm hơn 7% dân số toàn tỉnh, với trên 177 ngàn người. Trong đó có 182 cụ đang thọ trên 100 tuổi; 1.240 cụ từ 90 – 99 tuổi; gần 24 ngàn cụ từ 80-89 tuổi và hơn 101 ngàn cụ từ 60-80 tuổi.

* Thực hiện tốt các chính sách người cao tuổi

Thực hiện Chỉ thị 59 của Ban Bí thư và Chương trình hành động quốc gia về chăm sóc NCT, đến nay 100% NCT thuộc diện nghèo, cô đơn, không có nguồn thu nhập được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa hơn 1.200 căn nhà cho NCT. Ngoài ra, hàng năm vào các dịp tết, ngày truyền thống NCT Việt Nam (6-6) và Ngày quốc tế NCT (1-10), các cấp, ngành đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc thọ và mừng thọ cho các cụ tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi rất chu đáo. Riêng Ban đại diện Hội NCT tỉnh còn ký kết chương trình liên tịch với Sở Y tế về chương trình chăm sóc sức khỏe cho NCT. Chỉ tính trong 9 tháng qua, đã có hơn 17 ngàn NCT được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Mới đây, Ban đại diện Hội NCT tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Sở Y tế đã tổ chức mổ mắt đem lại ánh sáng cho 865 cụ, với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng.

Người cao tuổi TP.Biên Hòa tham gia liên hoan văn nghệ - thể thao năm 2012.  Ảnh: P.Hằng
Người cao tuổi TP.Biên Hòa tham gia liên hoan văn nghệ – thể thao năm 2012. Ảnh: P.Hằng

Hiện nay, hầu hết các cấp Hội NCT trong toàn tỉnh còn xây dựng được các loại quỹ chăm sóc NCT, với tổng số tiền vận động được hơn 28 tỷ đồng. Riêng huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh đã vận động xây dựng thêm quỹ "Toàn dân chăm sóc NCT". Từ các nguồn quỹ này, các cụ đã có điều kiện giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn, khó khăn đột xuất và tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

* Quan tâm chăm sóc người cao tuổi hơn nữa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh, việc chăm sóc NCT ở Đồng Nai đã thể hiện được truyền thống, đạo lý của dân tộc. Thực tế, với truyền thống cần cù trong lao động, học tập, làm việc của dân tộc Việt Nam, người cao tuổi không hẳn chỉ là lớp người già phải sống lệ thuộc vào con cháu, gia đình và xã hội mà trái lại, nhiều NCT có khả năng, trí tuệ và uy tín đang tham gia nhiệt tình các công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, nhiều NCT còn đang là những ông chủ, nhà sản xuất kinh doanh, lao động sản xuất giỏi, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn…

Cùng với việc tham gia lao động sản xuất, NCT của tỉnh còn nhiệt tình với các công tác xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 9.292 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Từ đầu năm đến nay, có 2.476 NCT tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó NCT đã phối hợp hòa giải thành công 997/1.006 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT chưa đều và rộng khắp. Một số nơi, Hội NCT mới chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe cho hội viên, chưa huy động được công tác xã hội hóa về chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Do vậy, dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong chăm sóc NCT, song hiện vẫn còn khoảng hơn 50% NCT ở nông thôn có mức sống còn thấp; 2,79% NCT có hoàn cảnh gia đình thuộc diện nghèo; 1,3% NCT sống trong nhà tạm, nhà dột nát hoặc đang phải đi thuê và mượn nhà để ở; trên 60% NCT không có tích lũy về vật chất…

Ông Đặng Kim Thoa, Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Xuân Lộc cho hay, thực tế còn có những gia đình coi người già như một gánh nặng nên thiếu sự quan tâm với ông bà, cha mẹ; chưa làm tròn đạo hiếu của người làm con với bậc sinh thành. Vì thế, cuộc sống của những người già trong các gia đình này chưa thực sự là bình yên, hạnh phúc; thậm chí còn bị ngược đãi.

Ông Đặng Kim Thoa cho rằng, để cuộc sống của người già trở nên hữu ích, lạc quan hơn, điều quan trọng là ngay trong từng gia đình phải có sự động viên, chăm sóc người già một cách có ý nghĩa. Đặc biệt là giới trẻ, phải có sự cảm thông, hiểu biết đối với người già và thấu hiểu được đạo làm con, làm cháu.

Phương Hằng

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét