Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Phổ biến pháp luật: Cần tuyên truyền điều dân cần


"Tuyên truyền những điều dân cần. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục ý thức và tuân thủ pháp luật cho dân", đó là vấn đề được đặt ra tại các buổi kiểm tra về công tác PBGDPL tại các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và 2 sở: Nông nghiệp – phát triển nông thôn (NN-PTNT), Lao động – thương binh và xã hội (LĐTB-XH) trong tháng 8-2012.

* Nâng cao ý thức pháp luật cho dân

Ông Trương Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết,  xã Quang Trung có dân số trên 22 ngàn người. Trong đó, đồng bào có đạo chiếm trên 90%, dân cư chủ yếu sản xuất nông nghiệp… Do đó, việc tập trung dân để PBGDPL gặp những trở ngại, như: trình độ dân trí còn hạn chế, đặc thù tôn giáo khác nhau, ít có điều kiện tham gia công tác xã hội – địa phương. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ từ sự phối kết hợp giữa các thành viên trong hội đồng tuyên truyền PBGDPL chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân và cán bộ chưa tốt; hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, hấp dẫn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác này hạn chế. "Sở Tư pháp nên nghiên cứu biên tập những văn bản pháp luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm giúp địa phương thuận tiện trong việc bám sát nội dung tuyên truyền, phổ biến. Đồng thời, công tác này cần ứng dụng công nghệ thông tin…" – ông Đạt phát biểu.

Các cơ sở đóng góp ý kiến với đoàn kiểm tra về những khó khăn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về vấn đề này, ông Cao Xuân Đáng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thống Nhất nhấn mạnh: "Muốn làm tốt công tác PBGDPL, các địa phương phải chú trọng kiện toàn nhân sự các tổ hòa giải, củng cố các câu lạc bộ pháp luật, tạo điều kiện cho các báo cáo viên pháp luật nâng cao trình độ pháp lý và kỹ năng tuyên truyền, nắm rõ nhu cầu từ dân để xây dựng kế hoạch tuyên truyền".

Báo cáo với đoàn kiểm tra của Hội đồng tuyên truyền, PBGDPL tỉnh, lãnh đạo Sở LĐTB-XH cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, Sở đã cụ thể hóa kế hoạch của tỉnh trong công tác PBGDPL tới các phòng, ban, đơn vị trực thuộc nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho hàng trăm cán bộ, công nhân, viên chức và hàng ngàn lao động tại các doanh nghiệp với các hình thức tuyên truyền, như: phát tờ rơi, tập huấn trực tiếp, tuyên truyền qua các phương tiện báo, đài… Ngoài ra, Sở LĐTB-XH đã tổ chức được 2 lớp tập huấn về pháp luật lao động cho 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 11 lớp tập huấn cho gần 600 cán bộ quản lý các bộ phận về công tác an toàn vệ sinh lao động; treo 200 băng-rôn, 1.500 cờ, 12 pa-nô, 30 ngàn tờ rơi, 6 ngàn tranh, áp-phích có nội dung tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ…

* Còn nhiều việc phải làm

Tại buổi làm việc với hai sở: LĐTB-XH, NN-PTNT, luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh (thành viên Hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh) đề nghị các sở, với đặc thù của mình nên cụ thể hóa chương trình, nội dung tuyên truyền PBGDPL cho từng đối tượng. Còn ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh (đơn vị thường trực Hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh) thì nhấn mạnh, muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự giác thực thi pháp luật của người dân, cán bộ, đảng viên, hội viên thì địa phương phải tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật mà đối tượng cần, chứ không tuyên truyền kiến thức mình có một cách máy móc. Ông Ngôn nói: "Cần đánh giá, xem xét hình thức tuyên truyền, phổ biến nào hiệu quả cao nhất, dễ tiếp cận, phát huy được ưu điểm trong mục đích giáo dục người dân thượng tôn pháp luật, sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật".

Cũng theo ông Ngôn, các địa phương, đơn vị phải rút ra những gì thiết thực nhất cần phải đem ra tuyên truyền, phổ biến cho dân nắm bắt, thực thi pháp luật. Đồng thời, qua giải quyết công việc hàng ngày của mình với dân, địa phương cần tổng kết được vấn đề gì cần phổ biến, đưa về cho dân tự tìm hiểu và vấn đề gì cần cán bộ am hiểu luật tư vấn cặn kẽ, chuyên sâu. Ông Ngôn đề xuất: "Địa phương cần nắm bắt dư luận để định hướng tuyên truyền, giúp dân hiểu đúng chủ trương, pháp luật, sự việc một cách chính thống, đúng sự thật khách quan, không để kẻ xấu lợi dụng phao tin gây hoang mang dư luận, gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo của địa phương".

Qua kiểm tra các đơn vị, ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp (đơn vị thường trực Hội đồng phối hợp tuyên truyền PBGDPL tỉnh) đánh giá sơ bộ, các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương… ngoài nhiệm vụ chuyên môn cũng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác PBGDPL, nhất là việc dành kinh phí hợp lý để triển khai. Trên cơ sở đó, các đơn vị có nhiều mô hình, hình thức PBGDPL đến cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy vậy, các đơn vị cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác PBGDPL ngay từ đầu năm, xem đó là công tác riêng và có sơ kết, tổng kết, chứ không phải là hoạt động lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, các nội dung, hình thức, phương pháp PBGDPL phải phù hợp với từng đối tượng, nhiệm vụ chính trị. Có như vậy, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương và pháp luật mới đi vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Đoàn Phú – Danh Trường

 

 

  



0 nhận xét:

Đăng nhận xét