Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Phường Long Bình (TP.Biên Hòa): Hàng chục hécta rừng trồng “biến” mất!


Hơn 30 hécta rừng trồng ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa có hàng chục năm tuổi, bỗng dưng "biến" mất, thay vào đó là nhà ở được xây dựng san sát…

Dạo trước, rừng trồng cây nhiên liệu tại phường Long Bình là tràm bông vàng được phủ khắp các khu vực đất trống, tạo màu xanh bát ngát cho một vùng xưa kia là khu quân sự. Tuy nhiên, gần như toàn bộ những mảng xanh này giờ chỉ còn trên giấy.

* Đại công trình… dân sinh

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến KP8, phường Long Bình, chỉ cách đường xe lửa Bắc – Nam khoảng 300m. Thời điểm đó, nơi đây chẳng khác gì "đại công trình" với những phân xưởng, nhà ở đang được khẩn trương xây dựng. Tiếng ầm ì của máy móc, tiếng ồn ào của thợ xây, tiếng xe ô tô, xe máy gầm rú… đã phá vỡ không gian nơi này vốn yên ả. Xen lẫn với những cơ sở, xưởng sản xuất, gia công đồ gỗ là số ít cây tràm bông vàng còn sót lại. "Rừng!", tiếng gọi nghe sao lạ lẫm trước sự ồn ào náo nhiệt của một khu vực đang "phát triển" thành khu dân cư, nơi sản xuất. Nói cách khác, những mảng xanh ngày trước đã bị xé toạc bởi nhà xưởng, cùng nhiều đường đất đan xen chằng chịt.

Một phần rừng tràm bông vàng ở phường Long Bình còn sót lại, trong khi nhà xưởng sản xuất đồ gỗ cùng cây chế tác đồ mộc nằm trên đất rừng.

Men theo một con đường hẻm không tên thuộc KP8 của phường Long Bình, chúng tôi thấy một số cây rừng bị đốn hạ, nằm lăn lóc trên đường, và rất nhiều cây gỗ chất chồng chuẩn bị cưa xẻ. Chúng tôi còn bắt gặp hàng chục xe tải chở hàng hóa từ các điểm sản xuất ra vào liên tục. Những phân xưởng này đều nằm trên phần đất của rừng trước kia, và chúng được xây dựng cách đây chưa lâu. Tại khu vực này, có khoảng hơn 10 phân xưởng với quy mô hàng ngàn mét vuông đã và đang gấp rút được hình thành. Cách đó không xa là hàng trăm ngôi nhà dân mọc lên với đủ loại màu sắc, thiết kế… 

Theo lãnh đạo UBND phường Long Bình, chỉ từ năm 2011 đến nay, hơn 30 hécta rừng trên địa bàn phường đã biến mất. Chính quyền địa phương cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng đã cương quyết ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng, nhưng tình hình không mấy khả quan, thậm chí còn xấu đi. Trong khi đó, cơ quan quản lý rừng cũng khẳng định đã làm hết sức. Song, vì sao khu vực rừng trồng này vẫn bị lấn chiếm, rồi phát triển thành nhà, xưởng một cách ồ ạt, là điều dư luận đang thắc mắc.

* Xử lý ra sao?

Các cơ sở sản xuất ngang nhiên tồn tại, nhà dân mọc lên loạn xạ không theo quy củ… tất cả chỉ với mục đích là "biến" đất rừng thành tài sản cá nhân. Để đẩy nhanh quá trình "thâu tóm" đất rừng, chủ các xưởng sản xuất lẫn người dân đều tiến hành "thủ tục" sang nhượng đất bằng cách viết tay, coi như đó là hình thức hợp thức hóa chuyện mua bán.

Khu nhà xây trái phép trên đất rừng ở phường Long Bình.

"Lô 100m2 thì 2 triệu đồng tiền thuê mỗi tháng. Muốn rộng hơn, giá mềm hơn thì phải ở xa một chút. Tốt hơn là nên mua lại thì làm ăn mới lâu dài được. Nhưng đừng lo, sau này không sử dụng, bán lại cũng không lỗ" – bà H., một người sống tại khu vực này cho biết. Bà H. thừa nhận, gia đình bà cũng như hàng trăm hộ dân khác sinh sống trên đất rừng từ nhiều năm qua. "Mua đất nhưng chính quyền địa phương không chứng thực, có sao không bà?" – tôi hỏi. Bà H. vô tư phán: "Chẳng sao hết! Người ta làm hà rầm biết bao năm rồi, nhưng có ai bị gì đâu. Chú mà mua sớm, sau này Nhà nước có giải tỏa thì được đền bù, càng sướng".

Nói về khu rừng trồng ở phường Long Bình, Giám đốc Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa Trần Đình Xướng-cơ quan quản lý diện tích rừng này nhấn mạnh: "Trên giấy tờ thì diện tích rừng là 30 héca, nhưng thực tế chỉ còn khoảng 4-5 hécta nằm rải rác. Khi người dân lấn chiếm đất rừng, chúng tôi tiến hành lập biên bản ngay. Thế nhưng, quyền hạn xử lý những trường hợp này thuộc chính quyền địa phương. Trước tình hình đất rừng bị lấn chiếm hàng ngày, chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn mà đau xót". Ông Xướng cho biết, sở dĩ có tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng là vì chính quyền địa phương sau một hai lần xử lý mạnh tay thì không còn cương quyết, khiến mọi chuyện đâu lại vào đấy. Song, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tống Thanh Đa lại khẳng định: "Địa phương liên tục giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất rừng. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, chúng tôi đã xử lý 17 trường hợp vi phạm đến đất rừng, trong đó có 3 trường hợp là nhà xưởng. Trong thời gian tới, những trường hợp "cố đấm ăn xôi", chúng tôi cương quyết không để tồn tại…".

Đăng Minh

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét