Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Di chúc Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng đất nước


Tháng 9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những hình ảnh ghi lại tình cảm của toàn dân khắp bốn phương, bản Di chúc của Bác Hồ kính yêu được công bố. Hơn 40 năm qua, Di chúc của Người trở thành thiêng liêng, là Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.


 

Điều mà Người quan tâm, đề cập nhiều nhất và trước hết trong bản Di chúc là nói về Đảng và công tác xây dựng Đảng. Bác khẳng định truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng là sự đoàn kết rộng rãi, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân nên giành nhiều thắng lợi to lớn. Bác căn dặn việc giữ gìn đoàn kết trong Đảng phải như việc "giữ gìn con ngươi của mắt mình", "trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng",  và "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Sinh thời, Bác là người đảng viên mẫu mực về tự phê bình và phê bình. Với Bác, nếu phê bình mà không dựa trên tình đồng chí, tình thương yêu thì kết quả sẽ rẽ sang hướng khác.

Với một Đảng cầm quyền, để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu của mỗi đảng viên là quan trọng nhất, trong đó đạo đức cách mạng của đảng viên là sự sống còn của Đảng. Theo Bác đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân. "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đoạn trích ngắn này từ bản Di chúc, chỉ với 50 chữ, Bác dùng đến 4 lần chữ "thật", "thật sự", với người kiệm lời như Bác, mới biết vai trò đạo đức của đảng viên và công tác xây dựng Đảng quan trọng đến nhường nào.

Nói về những công việc cần làm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, thì việc đầu tiên, cũng là công tác xây dựng Đảng. Bác viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi''. Bút tích của Bác gạch dưới 4 chữ ''chỉnh đốn lại Đảng'' chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề mà Bác dặn lại đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong Di chúc thiêng liêng của mình.

Ngày Bác ra đi, cuộc kháng chiến bước vào hồi quyết liệt nhất, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi, Bác cũng hình dung ra việc kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, như một kiến trúc sư cho xã hội tương lai: "Công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm''. Đây là việc làm không dễ, là cuộc chiến đấu "khổng lồ",  ''một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi''. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ, phải chăng sự nghiệp đổi mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ những năm 1968, 1969, cách đây hơn 40 năm? Rõ ràng tầm nhìn của Di chúc vượt thời gian, xuyên thế kỷ, có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Trước lúc đi xa, bao nhiêu chuyện cần phải để tâm, bao nhiêu công việc bộn bề phải dặn lại, trong lúc quỹ thời gian ngày một cạn. Nhưng với Bác Hồ, nhắc không sót một ai về những công việc mà Chính phủ cần làm sau chiến tranh: với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công, các cháu bộ đội, thanh niên xung phong, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, đến cả những nạn nhân của chế độ cũ. Với công việc, điều quan tâm nhất là việc "bồi đưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau", mở mang giáo dục đào tạo, miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, là việc kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh… Với việc riêng, chỉ mấy dòng ngắn ngủi về chuyện tổ chức lễ tang: "Chớ nên điếu phúng linh đình để khỏi tốn thì giờ và tiền bạc của nhân dân", ra đi hoàn toàn thanh thản "Không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

43 năm ngày Bác đi xa, cũng là 43 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Bác. Một tháng Chín nữa lại về, là dịp để mọi người đọc lại bản Di chúc lịch sử, một bản kiến trúc xã hội tương lai, con đường đổi mới đất nước Bác đã vạch ra hơn 40 năm trước. Và càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân đang triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

  Phan Sĩ Anh

 

     

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét