Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Bảo hiểm y tế học sinh


Năm 2010, bảo hiểm y tế học sinh – sinh viên (BHYT-HSSV) thuộc nhóm bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa mặn mà tham gia.

Thời gian qua, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tích cực tuyên truyền vận động, nhằm nâng cao ý thức cho phụ huynh về tầm quan trọng của BHYT. Song, vấn đề này vẫn còn nhiều gia đình thờ ơ.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có 573 trường học các cấp và gần 487 ngàn HSSV. Trong đó có khoảng 96% trường học tham gia BHYT, nhưng số HSSV tham gia BHYT chỉ đạt 59%. Con số này khá thấp dù BHXH luôn cố gắng phối hợp với Sở GD-ĐT vận động các HSSV. Theo dự đoán, trong năm học này, BHYT cho HSSV sẽ tiếp tục… ế.

* Dịch vụ y tế chưa chất lượng?

Số HSSV tham gia BHYT thời gian qua không nhiều là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, không ít phụ huynh còn e ngại về chất lượng trong khám chữa bệnh BHYT. Khi con em bị bệnh, nhiều người chọn biện pháp khám tại phòng khám tư nhân để tránh tình trạng chen lấn, chờ đợi. Bên cạnh đó, chi phí cho một lần khám dịch vụ tư nhân cũng không quá cao.

Để bảo vệ sức khỏe con em lâu dài, phụ huynh cần tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh.
Để bảo vệ sức khỏe con em lâu dài, phụ huynh cần tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh.

Nói về ý nghĩa của việc thực hiện BHYT cho HSSV, theo Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, HSSV chưa tích cực tham gia BHYT một phần là vì vào đầu năm học, phụ huynh phải đóng nhiều khoản phí, trong đó có BHYT nên các gia đình có phần ngán ngại, nhất là những gia đình đông con, gặp khó khăn. Một nguyên nhân khác nữa là người dân chưa hiểu hết chính sách của BHYT sẽ đem lại lợi ích đối với những trường hợp phải điều trị lâu dài, đó là chưa kể đến những rủi ro về sức khỏe, tai nạn.

Theo quy định, chỉ có BHYT là bắt buộc, còn các bảo hiểm khác, như: bảo hiểm con người, bảo hiểm tai nạn… người dân hoàn toàn tự nguyện. Thế nhưng, hiện vẫn có một số phụ huynh phản ảnh, ngoài tiền BHYT phải đóng, một số khoản bảo hiểm khác dù không bắt buộc nhưng họ không được giải thích rõ. Chị K.L., ngụ ở KP1, phường Trung Dũng, có con học tại một trường THCS ở Biên Hòa cho biết, nhà trường thông báo đóng tiền thì phải hoàn thành nghĩa vụ cho con chứ chị không nghe giáo viên giải thích bảo hiểm nào bắt buộc, bảo hiểm nào không.

* Lợi ích của BHYT

Giữa tháng 7-2012, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một bệnh nhân 9 tuổi bị sốt xuất huyết nặng. Chi phí điều trị hết 120 triệu đồng, nhưng do người bệnh không có BHYT nên gia đình phải trả toàn bộ chi phí. Vì hoàn cảnh khó khăn, trường hợp này hiện vẫn còn nợ bệnh viện gần 60 triệu đồng tiền viện phí.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho rằng, chỉ có khoảng 5% trẻ đến điều trị tại bệnh viện không có thẻ BHYT. Thông thường, mỗi trường hợp nhập viện điều trị, tốn trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng. Chính vì vậy, nếu tham gia BHYT thì khi con em bị bệnh, cha mẹ đỡ vất vả hơn khi phải lo chi phí, đặc biệt là bệnh nặng, điều trị lâu dài rất tốn kém. Bởi nếu không có BHYT thì phải đóng 100% chi phí khám chữa bệnh. Thực tế, không tham gia BHYT cho học sinh, trước mắt phụ huynh bớt được một khoản tiền vài trăm ngàn đồng. Nhưng về lâu dài, khi có bệnh thì số tiền chi phí cho điều trị sẽ vượt gấp nhiều lần số tiền đóng BHYT. Như vậy, người dân sẽ thiệt thòi nhiều hơn những người khác trong điều trị bệnh.

Ông Phạm Minh Thành đánh giá, do chưa lường trước hết những rủi ro trong cuộc sống nên nhiều người không mặn mà lắm với BHYT ngay từ đầu. Mặt khác, BHYT còn mang tính chia sẻ cộng đồng, góp phần san sẻ rủi ro cho những người bị bệnh hoặc bị tai nạn. Như vậy, xét về lợi ích thì BHYT có ý nghĩa tích cực; chắc chắn người tham gia BHYT sẽ được lợi nhiều. "Khi tham gia BHYT, HSSV sẽ được hưởng những quyền lợi: được khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế xã, phường, huyện, thị xã, kể cả những phòng khám tư nhân có ký hợp đồng với BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường; được sơ cấp cứu ở bất cứ bệnh viện nào trong toàn quốc và được điều trị bằng các biện pháp kỹ thuật cao; đồng thời hưởng nhiều ưu đãi khi mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo…" – ông Thành nhấn mạnh.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét