Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Giáo dục bình đẳng giới cần bắt đầu từ tuổi thơ


Để quan tâm đến bình đẳng giới, nước ta đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo hành gia đình đã ra đời. Từ đây, vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt trong gia đình cũng như trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, bình đẳng giới vẫn còn những mảng màu tối và những quan niệm không đúng đắn về bình đẳng giới. Để giải quyết được tình trạng bất bình đẳng giới, mỗi người cần được giáo dục ngay từ nhỏ trong gia đình, nhà trường  và xã hội.

Một gia đình tham gia ngày hội gia đình năm 2011.

Chính vì chưa được giáo dục và nhận thức đúng đắn nên nhiều người nghĩ con trai không thể nấu cơm, rửa chén, quét nhà…vì lóng ngóng, vụng về. Đàn ông cần phải làm những "việc lớn". Khi bắt con trai làm những "việc nhỏ" trên, lớn lên sẽ khó trở thành "người đàn ông mạnh mẽ". Những việc nhà ấy chỉ phù hợp với con gái… Đấy là quan niệm hết sức sai lầm.

Ông bà ta xưa đã từng dạy: "Đàn ông học sảy, học sàng. Đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn". Ai cũng cần phải biết chăm sóc chính mình. Đấy là điều cần thiết, tối thiểu của con người. Nếu được dạy dỗ những kỹ năng làm "việc nhà" từ nhỏ, chắc chắn trẻ trai sẽ vẫn khéo léo mà không mất đi vẻ nam tính. Ngược lại, con gái không được dạy dỗ cũng sẽ vụng về, đểnh đoảng. Vấn đề ở chỗ, cha mẹ quan niệm thế nào là "việc đàn bà, việc đàn ông" để thống nhất cách giáo dục con cái cho đúng và chuẩn mực.

Ngày nay, trong các gia đình trẻ, nhất là ở đô thị và ở tầng lớp trí thức, quan hệ vợ chồng khá bình đẳng. Nhiều người chồng đã biết chia sẻ với vợ việc nhà và chăm sóc con; còn người vợ thì tự tin, rất có bản lĩnh và có sự nghiệp thành đạt. Đó là cơ sở rất tốt cho việc giáo dục trẻ em ý thức và kỹ năng sống trong xã hội văn minh, bao hàm cả việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay.

Thế nhưng, một số không nhỏ cha mẹ trẻ lại đang mắc sai lầm, không rèn cho con (trong phạm vi bài này tôi chỉ muốn giới hạn đối với con trai) khả năng sống tự lập, cha mẹ giành làm hết hộ con. Những đứa con trai "thế hệ gối bông" (chủ yếu ở thành thị),  con trai "được miễn" việc nhà (ở nông thôn, do còn tư tưởng trọng nam khinh nữ) sẽ trở thành những người chồng, người cha trong tương lai ra sao, chắc chúng ta hình dung được. Tôi may mắn có thời gian mấy năm học tập và sinh sống ở nước ngoài, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ trai, tùy độ tuổi, cũng làm việc nhà, như: đi mua thực phẩm, lau nhà, cắt cỏ, sửa chữa đồ đạc… một cách tự giác, vui vẻ và nhất là tự phục vụ bản thân từ khi còn rất nhỏ. Những người đàn ông – những người chồng, người cha, có thói quen cùng làm việc nhà với vợ như bổn phận của mình, là phục vụ chính mình chứ không phải là "giúp", "làm giùm" vợ. Khi đã được rèn luyện từ nhỏ và có ý thức tự giác thì công việc trở nên nhẹ nhàng, kỹ năng trở nên thuần thục và tinh thần thoải mái. Họ tìm thấy niềm vui trong công việc chăm sóc gia đình.

Còn ở trường, từ tuổi mẫu giáo, các bé trai đã được dạy nhường nhịn và giúp đỡ các bạn gái từ những việc nhỏ, như: mở cửa cho bạn gái vào trước, kéo ghế mời bạn ngồi, giúp bạn mặc, cởi áo khoác mùa đông (vì nặng)…đến làm những việc nặng trong hoạt động chung, bảo vệ bạn… Ra đường tôi vẫn luôn bắt gặp những chàng thanh niên thường có những hành động tương tự đối với phụ nữ, trẻ em, người già dù không quen biết. Họ nhường chỗ ngồi trên các phương tiện giao thông công cộng, giúp mang xách đồ nặng, tận tình giúp đỡ khi ai đó gặp khó khăn. Nhìn chung, tôi thấy cách xử sự của nam giới với người khác giới dịu dàng, ân cần, chu đáo. Nhường nhịn, giúp đỡ phụ nữ là biểu hiện của sự cảm thông, trân trọng – một trong những cơ sở của bình đẳng giới.

Bàn về nhân cách, tính cách con người, Bác Hồ nói: "Phần nhiều do giáo dục mà nên". Giáo dục cần bắt đầu từ khi còn nhỏ tuổi. Tôi nghĩ điều đó đúng cả trong phạm vi hẹp hơn là nhận thức và thực hiện bình đẳng giới. Nếu những đứa trẻ của chúng ta bây giờ được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm giáo dục mặt này chu đáo thì trong tương lai nhất định xã hội ta sẽ có những chuyển biến tích cực. Thực hiện bình đẳng giới – ước mơ bao đời của con người tiến bộ, làm cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, văn minh hơn.

Đặng Thị Lan Hương    



0 nhận xét:

Đăng nhận xét