Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Dịch vụ y tế tại nhà: Nhu cầu cao nhưng chưa được đáp ứng


Với những gia đình có người già, người bệnh mãn tính, bại liệt bị hạn chế khả năng vận động; gia đình neo người chăm sóc… thì dịch vụ y tế tại nhà trở nên vô cùng thuận lợi. Ở những thành phố lớn, dịch vụ này đã phổ biến, nhưng tại Đồng Nai thì vẫn còn  bỏ ngỏ…

* Từ nhu cầu…

Chị Nguyễn Thiên Thanh, ngụ ở phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa) có cha chồng 78 tuổi, bị bại liệt. Mỗi khi đưa cụ đi khám bệnh, vợ chồng chị phải nghỉ làm cả ngày. Vì thế, chị Thanh mong có dịch vụ y tế tại nhà, bác sĩ có bệnh án để theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của cụ đồng thời tư vấn cách chăm sóc, xử lý những tình huống phát sinh cho cụ. "Điều này vừa giúp gia đình theo dõi sức khỏe cho cụ được tốt hơn vừa đỡ mất thời gian đi lại của gia đình" – chị Thanh nói.

Người khuyết tật đến bệnh viện để tập luyện vật lý trị liệu. Ảnh: P.Liễu

 Còn ông Ngô Thanh Đông, ngụ ở phường Tân Mai có vợ bị tai biến mạch máu não đã 2 năm, cho hay: "Mỗi khi bà nhà tôi trở bệnh, tôi phải huy động con cháu về đưa bà ấy đến bệnh viện, chứ mời được bác sĩ đến nhà rất khó, dù trên địa bàn phường có khá nhiều bác sĩ. Có những lúc nguy cấp, cần bác sĩ có mặt ngay thì phải năn nỉ lắm mới "thỉnh" được bác sĩ đến. Bây giờ, nếu có dịch vụ cứ "a-lô" là bác sĩ đến, dù đắt mấy tôi cũng mời".

Nhận thấy chăm sóc sức khỏe tại nhà là dịch vụ y tế cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng, Phòng điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện một đề tài khảo sát về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà với mong muốn đánh giá thực tiễn nhu cầu này của người dân TP. Biên Hòa.

Trong 600 đối tượng thuộc đủ thành phần xã hội tham gia khảo sát, có 66% số người cho biết có nhu cầu sử dụng dịch  vụ y tế tại nhà; 32% cho biết đã sử dụng dịch vụ y tế tại nhà (chủ yếu là nhờ bác sĩ, nhân viên y tế quen biết), 99% trong số này cho rằng dịch vụ rất thuận lợi; 72%  mong muốn sử dụng dịch vụ cấp cứu tại nhà; 16% mong muốn được sử dụng dịch vụ thường xuyên và 55% cho rằng sẽ sử dụng khi cần thiết. Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Đoàn Thị Bông – trưởng nhóm khảo sát, chia sẻ: "Từ khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu về dịch vụ y tế tại nhà của người dân Biên Hòa là có. Chưa khai thác được dịch vụ này là một lãng phí cho cả người dân lẫn ngành y tế. Bởi việc tổ chức dịch vụ cũng giúp cho lực lượng bác sĩ, điều dưỡng trẻ có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm cuộc sống với người dân, đồng thời tăng thu nhập chính đáng và hợp pháp cho đội ngũ này".

* … Đến  thực tiễn

Thực tế hiện nay, với tình trạng quá tải ở bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng không đủ thời gian để tư vấn và chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất. Do đó, dịch vụ y tế tại nhà là hoạt động cần thiết nhằm tiếp tục theo dõi bệnh định kỳ, có thể lấy mẫu xét nghiệm, vật lý trị liệu, tâm lý liệu pháp hay tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn cụ thể cho người bệnh và thân nhân của họ, giúp người bệnh và gia đình chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và đẩy nhanh quá trình hồi phục… Tuy nhiên, đến nay, dịch vụ này vẫn chưa được khai thác.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: "Với nguồn nhân lực, năng lực chuyên môn của bệnh viện, chúng tôi thừa sức để tổ chức dịch vụ này. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn là cơ quan bảo hiểm chấp thuận cho những bệnh nhân có bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ tại nhà vẫn được hưởng bảo hiểm y tế như khi họ khám và điều trị tại bệnh viện. Người bệnh chỉ phải trả phần chênh lệch công khám, tất nhiên là khá cao mới bù đắp chi phí thời gian, đi lại của bác sĩ. Nếu tính đúng, tính đủ một lần sử dụng dịch vụ y tế tại nhà, người bệnh có thể phải trả đến 300-500 ngàn đồng/lượt. Hiện bệnh viện có hướng triển khai mô hình dịch vụ cho thuê hộ lý chăm sóc người bệnh tại bệnh viện và tại nhà, tổ chức cấp cứu ngoại viện… để xúc tiến thành lập dịch vụ này trong thời gian tới".

Còn bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thì cho hay: "Dù biết dịch vụ khám bệnh tại nhà là cần thiết và có thể phát triển nhưng tại bệnh viện nhi, bản thân bác sĩ ngồi phòng khám cả ngày vẫn chưa giải quyết hết bệnh nhân thì rất khó để xây dựng được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đến nhà bệnh nhân để khám bệnh ngoại trú".

Phương Liễu

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét