Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Huyện Xuân Lộc: Tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp


Là huyện miền núi với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 75%, Xuân Lộc luôn tìm tòi những giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm tối đa chi phí đầu tư cho nông dân.

* Đồng hành với người dân

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Xuân Lộc không ngừng phát triển. Về trồng trọt, đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung phát triển cả về năng suất và chất lượng. Bà Nguyễn Thị Linh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp – phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, nhờ có hệ thống tưới tiết kiệm (TTK) mà người dân giảm được rất nhiều chi phí về điện, nước, phân bón và công lao động. Toàn huyện hiện có 718 hécta cây trồng đã sử dụng hệ thống TTK, trong đó 283,8 hécta được hỗ trợ kinh phí, còn lại là người dân tự thiết kế. Thời gian qua, nhiều nông dân đã đưa hệ thống TTK của gia đình hoạt động hiệu quả, nhưng chi phí giảm đáng kể. 

Vườn rau của anh Ngô Văn Tốt sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Trong chăn nuôi ở Xuân Lộc, chất lượng đàn giống ngày càng được tăng cao là do đã áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Xuân Lộc (ĐLXL) cho biết, kết quả tiết kiệm điện trong sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện trong những năm gần đây đạt tốt. Thời gian qua, ngành điện đã vận động các trang trại, hộ gia đình thực hiện thay các bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, qua đó lượng điện sử dụng để chăn nuôi giảm nhiều.

* Bảo đảm quyền lợi khách hàng

Để phục vụ tốt hơn cho ngành nông nghiệp, thời gian qua ĐLXL đã xây dựng 122 công trình đường dây trung thế với chiều dài 84.208m và 140 trạm biến áp cho hệ thống điện nông thôn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 518.258m đường dây trung thế, 796 trạm biến áp và 667.744m đường dây hạ thế. Trong đó, lưới điện trung thế phục vụ cho sản xuất các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 113.390m và 300 trạm biến áp có dung lượng là 17.355 kVA. Đặc biệt, công trình phát triển đường dây vào các cánh đồng, khu trang trại được thực hiện tốt.

Nhằm giúp những hộ sản xuất nông nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất nhưng ít tăng chi phí về điện, ĐLXL thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng điện từ sinh hoạt sang sản xuất nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.011 khách hàng được hưởng mức giá điện vào sản xuất nông nghiệp, nâng số khách hàng lên 3.346 hộ. Đề cập về điều này, ông Nghĩa nhấn mạnh: "Nếu chuyển đổi đúng mục đích sử dụng thì người dân sẽ giảm thêm được rất nhiều chi phí từ điện. Đối với những hộ sản xuất nông nghiệp, chỉ áp một giá 1.278 đồng/kW, trong khi theo giá bậc thang áp dụng cho điện sinh hoạt, thì mức thấp nhất là 1.242 đồng/kW, giảm gần 40% chi phí về điện".

Nhờ sử dụng điện với giá ưu đãi, gia đình ông Phạm Thành Được, ngụ ấp 1A, xã Xuân Hưng chỉ tốn khoảng 800 ngàn đồng/tháng tiền điện, kể cả những lúc cao điểm phải tưới nước cho 4 hécta xoài; những tháng bình thường ở mức hơn 100 ngàn đồng. Riêng với những hộ sản xuất rau thì chính sách ưu đãi này đã giúp giảm nhiều chi phí. Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Tốt, xã Xuân Phú, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 300 ngàn đồng tiền điện cho việc tưới tiêu 2 sào rau của mình.

Thiện Nhân

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét