Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Bảo tồn đa dạng sinh học vì tương lai


 

Năm nay, thế giới chọn ngày 22-5 là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường.

* Đa dạng sinh học với nhiều người còn khá mới mẻ. Ông có thể nói rõ hơn vđa dạng sinh học và vì sao phải bảo tồn?

- Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã. Trong đó, ưu tiên bảo vệ các loài động, thực vật thuộc danh mục quý hiếm. Nếu để một trong các loài mất đi, cũng như chuỗi mắt xích đang hoạt động bị mất đi một mắt xích, hệ sinh thái sẽ bị phá vỡ, môi trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai.

* Thưa ông, thời gian qua Đồng Nai đã có những hoạt động gì để bảo tồn đa dạng sinh học?

- So với các tỉnh lân cận, Đồng Nai đã có rất nhiều hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có một số hoạt động chính, như: tỉnh đã phê duyệt dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành để thực hiện. Hiện tỉnh đang triển khai biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học cho ba nhóm đối tượng là: cán bộ chuyên trách, không chuyên và cộng đồng dân cư. Trong hệ thống sông Đồng Nai, hồ Trị An định kỳ được quan trắc về môi trường để phát hiện sớm và giảm thiểu mất tính đa dạng sinh học do ô nhiễm. Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ săn bắt, buôn bán động thực vật quý hiếm…

Rừng Cát Tiên là nơi có nhiều loài chim quý góp phần làm đa dạng sinh học thêm phong phú.
Rừng Cát Tiên là nơi có nhiều loài chim quý góp phần làm đa dạng sinh học thêm phong phú.

 

* Sự phát triển nhanh về công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh liệu có ảnh hưởng nhiều đến đa dạng sinh học?

- Với đa dạng sinh học đó là điều không tốt, vì lượng chất thải công nghiệp, sinh hoạt phát sinh lớn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học. Cụ thể, ô nhiễm môi trường nước gây suy thoái đa dạng sinh học thủy sinh. Ô nhiễm môi trường không khí do sản xuất công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, làm trái đất nóng dần lên, nước biển dâng do băng tan, mưa acid… Tất cả những yếu tố trên sẽ làm suy giảm nhanh chóng tính đa dạng sinh học. Còn ô nhiễm môi trường đất do sử dụng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dùng quá mức phân bón hóa học… làm sinh vật có ích, gây hại cùng bị tiêu diệt dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học.

Vào buổi chiều cò về rợp cánh đồng xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).
Vào buổi chiều cò về rợp cánh đồng xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).

* Để giảm thiểu các tác động xấu với đa dạng sinh học do quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, thời gian tới tỉnh sẽ có các giải pháp gì?

- Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Lồng ghép giữa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thông qua việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, kinh tế – xã hội theo hướng bảo tồn và sinh thái, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo hướng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; ứng  dụng các giải pháp về kỹ thuật… 

  * Xin cảm ơn ông!

  Hương Giang (thực hiện)

Article source: http://vov.vn/The-gioi/My-thu-ten-lua-danh-chan-Aegis-o-Thai-Binh-Duong/262194.vov



0 nhận xét:

Đăng nhận xét