Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Chú trọng xây dựng xã hội học tập


Cuối tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã về làm việc với tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Tiếng trống khai trường năm học mới của Trường THPT Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: P.Hằng
Tiếng trống khai trường năm học mới của Trường THPT Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: P.Hằng

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, thời gian qua ở Đồng Nai bước đầu đã thực hiện được kết quả đáng ghi nhận về xây dựng xã hội học tập. Trong đó, tỉnh đã rất quan tâm đến việc mở các lớp về văn hóa, chuyên môn, tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân lao động được học tập; quan tâm đến dạy nghề cho lao động nông thôn, con em đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác. Đặc biệt là trong việc thực hiện công tác này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đều vào cuộc. Trong đó, gần 60% xã, phường, thị trấn có bí thư hoặc chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác khuyến học của địa phương… Đồng chí cho rằng, Đồng Nai cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về khuyến học, khuyến tài, đặc biệt là vấn đề xây dựng xã hội học tập, từ đó làm cho mỗi người thấy được sự cần thiết phải học tập và tự giác học tập. Bên cạnh đó, tỉnh nên mạnh dạn xây dựng thí điểm các mô hình về xã hội học tập, trong đó tổ chức được nhiều phong trào học tập trong các doanh nghiệp, nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, xây dựng được đội ngũ công nhân lao động tiên tiến cho đất nước…

Trong khi đó, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, Đồng Nai đã rất chủ động, quyết tâm chính trị cao và luôn có sự chỉ đạo sát cơ sở về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thấm được vào các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó huy động được sức mạnh cả xã hội tham gia tích cực vào công tác này. Song song đó, khi đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng – an ninh của tỉnh đều được gắn với các vấn đề giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã có sự nối kết với nhiều tổ chức và lực lượng xã hội để tạo nên một phong trào có tính xã hội rộng lớn, chất lượng và hiệu quả. Hầu hết các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đều có những chương trình khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… một cách thiết thực.

Còn theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, để thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng xã hội học tập của tỉnh, đồng thời ban hành 5 văn bản và xây dựng các đề án về nội dung này. Trong đó, việc xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được quan tâm. Các TTHTCĐ ở Đồng Nai hoạt động khá phong phú, linh hoạt theo phương châm: "Cần gì học nấy". Các TTHTCĐ không chỉ là nơi học tập kiến thức về văn hóa cho người dân mà còn là cầu nối để chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ về nuôi, trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở nông thôn.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét