Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Chắp cánh cho những mảnh đời phục thiện


Phút giây nông nổi nhất thời của tuổi trẻ đã khiến họ sa chân vào bước đường lao lý. Tuy nhiên, ngày trở về, bằng nghị lực của bản thân, sự động viên, hỗ trợ tích cực của gia đình và cộng đồng xã hội, họ đã vượt qua mặc cảm, ra sức lao động với quyết tâm làm lại cuộc đời.

* Bỏ lại quá khứ tăm tối

Anh Lý Sơn (ngụ ấp Phượng Vĩ, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) từng có một thời ngang dọc tại bến phà Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh). Năm 1975, khi chưa đầy 15 tuổi, Lý Sơn đã rời bỏ cuộc sống cô nhi viện để gia nhập cùng đám bạn bụi đời kiếm ăn tại khu vực bến phà Thủ Thiêm. Hàng ngày, ngoài những việc, như: đánh giày, bán báo dạo, bốc vác, nhóm của Sơn còn đi đòi nợ thuê, móc túi… để kiếm thêm tiền tiêu xài. Bươn chải với cuộc sống chợ đời đã khiến Sơn trở nên lì lợm, ma mãnh hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Năm 1986, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, Sơn cùng đồng bọn đánh gây thương tích nặng một chủ tiệm bán cơm ngay tại bến phà. Hậu quả, Sơn bị kết án 5 năm tù giam.

Từ vốn vay của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, anh Lý Sơn đã phát triển đàn bò lên 7 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Từ vốn vay của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, anh Lý Sơn đã phát triển đàn bò lên 7 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Trong suốt thời gian cải tạo tại nhà giam Chí Hòa, Sơn cảm thấy rất ân hận về việc làm của mình, anh chỉ mong ngày trở về có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Năm 1991, khi nhận quyết định ra tù, anh Sơn về Xuân Lộc lập nghiệp. Tại đây, anh Sơn đã quen một thiếu nữ tên Huê (quê ở tỉnh Nghệ An), cùng cảnh làm thuê với anh trong một xưởng cưa gỗ. Ngày mới quen nhau, anh Sơn không ngại kể về quá khứ của mình. Biết anh đã từng có một quãng quá khứ lầm lỗi, nhưng không vì thế mà chị Huê phủ nhận nỗ lực làm lại cuộc đời của anh.

Năm 1992, họ đến với nhau bằng tình yêu, sự cảm thông. Từ đây, những thói quen rượu chè, cờ bạc, anh Sơn đều quyết tâm từ bỏ. Bao năm tần tảo lao động và tích lũy, đến nay vợ chồng anh Sơn đã sở hữu hơn 1 hécta đất rẫy trồng điều, xoài và hoa màu. Năm 2009, chính quyền địa phương hỗ trợ anh một căn nhà tình thương. Năm 2010, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự lại tiếp tục hỗ trợ gia đình anh 20 triệu đồng vốn đầu tư chăn nuôi bò.

Qua hơn 2 năm chăn thả, đến nay 2 con bò giống ngày nào đã sinh sôi thành đàn bò 7 con. Với nhiều nguồn thu nhập ổn định từ vườn rẫy và đàn bò, vợ chồng anh Sơn đã lo cho 2 người con học hành đàng hoàng. Anh Sơn tâm sự: "Cuộc đời tôi đã lỡ phạm phải sai lầm nên tôi cố gắng sửa sai bằng cách cật lực làm việc, nuôi dạy con cái biết điều hay lẽ phải".

* Vươn lên khá giả

Năm 1996, chỉ vì mâu thuẫn cỏn con với một bạn hàng buôn, Nguyễn Doãn Đông (ngụ ở ấp Phượng Vĩ, xã Suối Cao) đã nông nổi dùng dao giải quyết vấn đề. Khi lực lượng công an xã đến can ngăn, Đông vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt. Với hai tội danh: "Cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ", Đông đã phải lãnh án 2 năm tù.

Anh Đông tâm sự: "Những ngày tháng trong trại giam không ngày nào tôi ngủ yên giấc, vì nghĩ đến tội lỗi của mình, nghĩ đến cha mẹ già ngoài 70 tuổi ở nhà không ai chăm sóc". Sự ân hận trở thành động lực để anh Đông tích cực cải tạo, chấp hành tốt các quy định của trại giam. Nhờ đó, anh được ra tù trước thời hạn 4 tháng. Ngày trở về, cảnh vật trước mắt anh đều thay đổi, nhà cửa mục nát, vườn tược um tùm cỏ dại, cha mẹ già héo hắt vì trông đợi con… Được chính quyền địa phương và bà con lối xóm đến thăm hỏi, động viên tinh thần, anh đã vượt qua được mặc cảm, tự ti để vươn lên.

Việc đầu tiên của anh Đông khi về nhà là bắt tay vào cải tạo vườn tạp. Những vườn điều cho năng suất thấp anh chuyển sang trồng tiêu để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, nhận được nguồn vốn 20 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, anh đầu tư chăn nuôi thêm dê, gà…

Anh Đông khoe với chúng tôi: "Từ ngày trở về đến nay, tôi đã tích lũy và mua thêm được 1,5 hécta đất rẫy trồng điều; xây được căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng. Hè năm 2011 vừa qua, gia đình tôi tổ chức chuyến du lịch ra thăm lăng Bác để thưởng cho hai cậu con trai có kết quả học tập tốt…".

Ông Lê Phúc Nhật, Phó trưởng Công an xã Suối Cao cho biết: "Công an xã hiện đang quản lý 45 đối tượng tù tha về địa phương. Ngoài công tác quản lý, giáo dục đối tượng, công an xã còn tích cực tham mưu chính quyền địa phương, vận động các tổ chức xã hội khác tạo điều kiện việc làm, hỗ trợ vốn cho các đối tượng hoàn lương sản xuất – kinh doanh. Qua công tác xét duyệt, đã có 7/45 đối tượng được nhận vốn hỗ trợ từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự. Với nguồn vốn này, các đối tượng hoàn lương đều đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả”.

Hải Đình

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét