Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Nơi thiếu... (Bài 2)


Là đô thị trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh nhưng nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng, TP. Biên Hòa là địa phương duy nhất trong tỉnh còn tình trạng học ca ba do thiếu trường lớp.

Chỉ có 32 phòng học, nhưng Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) có đến 96 lớp học với 4.421 học sinh. Chính vì vậy, nhà trường phải chia giờ học của học sinh thành ba ca: ca một từ 6 giờ 45 – 10 giờ 30, ca hai từ 10 giờ 35 – 14 giờ và ca ba từ 14 giờ 5 – 17 giờ 30. Hiệu phó nhà trường Đoàn Thị Thủy cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.

* Ăn trưa lúc 9 giờ sáng

9 giờ, các lớp của ca một vẫn còn đang học thì ngoài sân trường học sinh các lớp ca hai bắt đầu kéo đến. Càng gần đến giờ vào lớp của ca hai, học sinh kéo đến càng đông. Trong thời gian chờ vào lớp, với bản tính hiếu động, các em bày trò chơi ngay ngoài sân: nhảy dây, bắt dí, chơi u, trao đổi thẻ hình… vừa chơi vừa hò la inh ỏi, mặc cho các giáo viên liên tục nhắc nhở không được gây ồn ào ảnh hưởng đến các lớp đang học.

Học sinh Trường tiểu học Trảng Dài (TP. Biên Hòa) hiện vẫn phải học ca ba. Ảnh: T. Thúy
Học sinh Trường tiểu học Trảng Dài (TP. Biên Hòa) hiện vẫn phải học ca ba. Ảnh: T. Thúy

Do giờ học "trái khoáy" xuyên qua luôn giờ ăn trưa, nên ngoài cổng, nhiều phụ huynh tranh thủ cho con ăn trước bữa trưa. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ của em Cao Hoàng Lực (lớp 4/1) vừa đút cơm hộp cho con ăn vừa than thở: "Vợ chồng tôi bận rộn quá, sáng sớm là ra khỏi nhà nên đâu có kịp nấu cơm. Tôi buôn bán ở tận Tam Hiệp, nhưng tới giờ này là phải bỏ để chạy về nhà đưa con đi học, tiện ghé qua mua hộp cơm cho cháu tranh thủ ăn, chứ không thôi lát trưa học bị đói. Cháu học ca hai, giờ giấc lỡ cỡ quá, sinh hoạt cả nhà xáo trộn hết cả lên". Uống hớp nước cho trôi cơm, em Lực phân trần: "Con mới ăn sáng hồi 7 giờ, mới 10 giờ mẹ lại bắt con ăn cơm nữa, con ăn hổng nổi". Cứ vậy, hai mẹ con "đánh vật" với bữa cơm trưa ngay trước cổng trường.

Giờ giấc học đảo lộn, nếp sinh hoạt nhiều gia đình học sinh vì thế cũng phải thay đổi cho phù hợp. Em Nguyễn Trần Bắc (lớp 4/15) cho biết, mẹ em làm tạp vụ ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nên 5 giờ 30 là đã đi làm, trước khi đi mẹ tranh thủ dậy sớm nấu nồi cơm để sẵn. 8 giờ em mới ngủ dậy, 9 giờ ăn sáng và cũng là ăn trưa luôn, xong em khóa cửa nhà, đi bộ đến trường để chơi và đợi giờ vào lớp, chùm chìa khóa nhà đeo lủng lẳng ở cổ vì sợ mải chơi là rớt mất.

Không riêng gì em Bắc, nhiều học sinh của trường cũng phải "tự quản" với chùm chìa khóa như vậy. Em Hồ Thị Ngọc Huyền (lớp 3/4) thì cho biết, cha mẹ đều là công nhân không có điều kiện đưa đón nên buổi sáng chở em gửi ở nhà cô giáo. 9 giờ sáng, cô cho cả nhóm ăn trưa, sau đó xe đưa đến trường, đến 14 giờ học xong lại phải thêm một chuyến xe đưa về nhà cô để đến chiều cha mẹ về đón.

* Sĩ số lớp gấp đôi chuẩn

Xây dựng từ trước năm 1975, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức có cơ sở vật chất khá cũ kỹ, hạn chế, nhưng từ nhiều năm nay trường luôn lâm vào tình trạng quá tải. Hiệu trưởng Cao Quốc Hùng cho biết, trường hiện có 48 lớp với 3.017 học sinh, tính bình quân khoảng 63 em/lớp, gần gấp đôi so với chuẩn quy định (35 em/lớp). Cá biệt, vào những năm nhập học của lứa học sinh "tuổi vàng" (tuổi Thìn, Hợi), số học sinh tăng vọt lên đến 70-72 em/lớp.

Phụ huynh tranh thủ đút cơm cho con trước khi bước vào học ca hai tại Trường tiểu học Trảng Dài.
Phụ huynh tranh thủ đút cơm cho con trước khi bước vào học ca hai tại Trường tiểu học Trảng Dài.

Nguyên nhân chính khiến trường luôn trong tình trạng quá tải, do đây là một trong những trường điểm chất lượng cao, lại nằm trong nội ô trung tâm của TP. Biên Hòa nên được phụ huynh đua nhau gửi con vào học, nhất là giới cán bộ, công chức. Do sĩ số lớp học quá tải, cả giáo viên lẫn học sinh đều vất vả. Mỗi bàn học theo chuẩn chỉ 3 em/bàn, giờ nhét đến 5-6 em, lớp trở nên chật chội, xoay đâu cũng đụng nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Với số lượng học sinh đông gấp đôi, số lượng bài vở phải chấm, sổ sách phải làm cũng tăng lên, giáo viên vì thế cũng không đủ thời gian để quan tâm hơn đến các em, đặc biệt là học sinh yếu kém.

Theo Điều lệ trường tiểu học, mỗi trường không quá 30 lớp học. Với số lớp học hiện nay, Trường tiểu học Trảng Dài đã quá tải gấp 3,2 lần. Không những phải học ca ba, Trường tiểu học Trảng Dài còn quá tải về sĩ số học sinh. Hiện nay, bình quân sĩ số mỗi lớp lên đến 46 em. Cũng vì không đủ phòng học, nên trường không thể triển khai dạy chương trình tiếng Anh tiểu học mới khiến học sinh bị thiệt thòi. Nhưng có một nghịch lý, là dù vất vả hơn gấp mấy lần so với các trường chuẩn, nhưng lương, phụ cấp của giáo viên lẫn cán bộ quản lý đều không được tăng.

Theo ông Hùng, nếu tính số học sinh là người sinh sống thực tế tại địa phương thì trường vẫn đáp ứng được nhu cầu, nhưng do số lượng lớn học sinh từ các phường khác bằng nhiều cách đăng ký hộ khẩu tại phường Trung Dũng (nhập hộ khẩu, gửi hộ khẩu) để được nhập học vào trường, dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều năm nay, trường và địa phương cũng đã "đau đầu" phối hợp tìm cách giải quyết mà chưa được.

Thanh Thúy

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét