Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Hết lòng với đồng đội


Đã bước vào tuổi 82, thế nhưng hàng ngày chú Trần Văn Mật (Ba Mật), Phó ban Liên lạc tù chính trị tỉnh vẫn cặm cụi đạp xe hàng chục cây số, khi thì đi thăm hỏi đồng đội, khi thì liên hệ với các cơ quan chức năng giúp đồng đội được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Chú Trần Văn Mật (phải) trong chuyến về thăm Côn Đảo tháng 6-2012. Ảnh: H. Lam
Chú Trần Văn Mật (phải) trong chuyến về thăm Côn Đảo tháng 6-2012. Ảnh: H. Lam

Năm 1952, anh thanh niên Trần Văn Mật tham gia kháng chiến, được tổ chức phân công dạy học cho trẻ em lẫn cán bộ, chiến sĩ xóa "giặc dốt" tại mật khu Cái Ngang (Vĩnh Long). Sau năm 1954, chú Ba được phân công về làm việc tại hãng xe đò Liên Hiệp ở TP. Biên Hòa – là cơ sở của đồng chí Trương Văn Lễ (Ba Lễ), Bí thư Thị ủy Biên Hòa, hoạt động hợp pháp ở bộ phận Công đoàn của hãng, vận động công nhân tham gia các phong trào đấu tranh. Tháng 8-1959, sau trận diệt Mỹ ở Nhà Xanh, hàng loạt cơ sở nội thành bị lộ và bị bắt, trong đó có chú Ba. Chú bị kêu án 5 năm và đày ra Côn Đảo. Hết hạn tù trở về, chú lại bắt liên lạc với đồng chí Đinh Quang Dữa – Bí thư Chi bộ 1 ở TP. Biên Hòa, tiếp tục hoạt động. Sau cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân 1968, chú lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2.

Năm 1989, Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo (sau đổi tên là Ban Liên lạc tù chính trị) được thành lập, chú Ba Mật tham gia với vai trò ủy viên. Từ đó đến nay, cuộc sống của chú Ba gắn liền với nhiệm vụ mới không kém phần khó khăn: giải quyết chế độ, chính sách cho các hội viên cựu tù chính trị. Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng tù chính trị đông, lại thêm hội viên từ các tỉnh, thành khác về, không phải ai cũng thông hiểu thủ tục, một số còn bị thất lạc hồ sơ, nên công tác giải quyết chế độ rất phức tạp. Với những hội viên là người địa phương, chú Ba kiên trì phối hợp với các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ những vướng mắc để đảm bảo quyền lợi; với những hội viên từ nơi khác chuyển đến, chú Ba đề xuất giải pháp liên hệ với các Sở Lao động – thương binh và xã hội nhờ chuyển hồ sơ qua đường bưu điện, đỡ chi phí, công sức trở về địa phương cho hội viên. Hơn 20 năm nay, hàng trăm hội viên đã được chú Ba tận tình hỗ trợ để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Không chỉ thế, biết được hội viên nào gặp hoàn cảnh khó khăn, chú lại cùng với ban liên lạc các cấp tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Cứ thế, với chiếc xe đạp cà tàng già nua làm bạn đồng hành, ngày nắng cũng như ngày mưa, chú Ba cần mẫn khi thì đến văn phòng hội làm việc, khi thì đi như con thoi thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội. "Trường Sơn mà người ta còn vượt được, tôi đạp xe 5-10 cây số ăn thua gì. Tôi có "bí quyết", đi đường xa chỉ cần vừa đi vừa nghĩ đến chuyện gì đó vui vẻ, mình bật cười là sẽ không thấy mệt. Tôi từng là tù chính trị, chỉ có cùng cảnh ngộ với nhau mới thấu hiểu được những khó khăn gian khổ, hy sinh, mất mát mà người tù đã trải qua, từ đó mới hết lòng được với anh em hội viên", chú Ba giải thích về công việc của mình như vậy.

Hà Lam

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét