Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp


Đó là ý kiến của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch nông nghiệp năm 2013 do Bộ Nông nghiệp -  phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 28-12.

Năm 2012, sản xuất nông, lâm, thủy sản cả nước gặp không ít khó khăn, nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 3,4%. Trong đó, diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với năm 2011.

* Cần chính sách hỗ trợ cụ thể

Xu hướng phát triển nông nghiệp của cả nước là từng bước hình thành những vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng lợi nhuận trên cùng một hécta. Thế nhưng, trong quá trình triển khai các chương trình, hầu hết các tỉnh, thành đều rơi vào tình trạng thiếu chính sách, cơ chế hỗ trợ để thực hiện. Đó là các chương trình: cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi trang trại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: "Hiện nay, Nam Định đang vận động người dân dồn điền đổi thửa để làm cánh đồng mẫu lớn, nhưng lại thiếu cơ chế hỗ trợ. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho nông dân giống, kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng để chương trình đạt hiệu quả cao hơn".

Cà phê là cây chủ lực của nông dân Đồng Nai. Trong ảnh: Cà phê của anh Phùng A Cẩu, ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom).          Ảnh: H.GIANG
Cà phê là cây chủ lực của nông dân Đồng Nai. Trong ảnh: Cà phê của anh Phùng A Cẩu, ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG

Đồng thời, các tỉnh, thành đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho nông dân để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Hiện đa số nông dân thiếu vốn rất mong vay được nguồn vốn lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất. Tuy lãi suất cho vay đã giảm, nhưng thực tế vẫn còn khá cao. Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn xây dựng các công trình thủy lợi tưới, tiêu nhằm đảm bảo sản xuất. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho hay: "Các tỉnh có nhu cầu vốn để triển khai các công trình thủy lợi nên nhanh chóng thực hiện quy hoạch các trạm bơm để trình bộ, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn thực hiện. Song, các tỉnh chú ý khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi đã xây dựng".

* Chú trọng an toàn thực phẩm

Đây là một trong vấn đề nóng được hội nghị trực tuyến nhắc đến khá nhiều. Theo Bộ Nông nghiệp – phát triển nông nghiệp, hiện cả nước đã công nhận 1.204 doanh nghiệp của 36 nước được phép nhập khẩu hàng có nguồn gốc động vật vào Việt Nam. Trong năm 2012, việc kiểm tra hàng nông, thủy sản trước khi đưa ra thị trường thực hiện thường xuyên và quyết liệt, nhưng trên thị trường vẫn còn tồn tại một số mặt hàng rau quả, thực phẩm nhập khẩu kém an toàn gây hoang mang cho dư luận. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Cao Đức Phát lưu ý: "Trong năm 2013, để ổn định sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu, các cơ quan quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật. Khi phát hiện hàng kém chất lượng phải truy nguyên nguồn gốc để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời". Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán, các tỉnh, thành cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm tra nghiêm ngặt các hàng hóa có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ sản xuất trong nước.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, nhu cầu xã hội ngày càng đòi hỏi cao, do đó nông dân chú trọng hơn các khâu trong sản xuất để đảm bảo chất lượng nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần  gắn sản xuất với chế biến nâng cao lợi nhuận.

Hương Giang

 

 

           

 

 

           

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét