Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Bảo hiểm y tế vẫn còn nhiêu khê


Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã từng bước đi vào cuộc sống. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi…

Tuy nhiên, dù đã có những điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện, nhưng BHYT vẫn chưa thực sự hấp dẫn người dân tự nguyện tham gia bởi còn không ít bất cập.

* Lợi ích của việc tham gia BHYT

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Đồng Nai hiện có 60% số dân tham gia BHYT.  Trong 3 năm, toàn tỉnh đã có gần 10 triệu lượt người được khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bác sĩ Đồng Văn Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "BHYT là một chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như sự công bằng trong khám và điều trị bệnh cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Mới đây, khi giá viện phí mới được áp dụng, người tham gia BHYT đã được BHYT chi trả nhiều hơn, đặc biệt  là đối với những kỹ thuật điều trị, thuốc, vật tư y tế tiêu hao có chi phí lớn".

Dù khám dịch vụ, nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ đợi lâu. Ảnh: P. Liễu
Dù khám dịch vụ, nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ đợi lâu. Ảnh: P. Liễu

Khi tham gia BHYT, người dân không chỉ được hỗ trợ đến 80%, thậm chí đến 95% chi phí khám chữa bệnh (tùy theo nhóm đối tượng), mà từ nguồn thu này, nhiều bệnh viện đã mở rộng cơ sở khám chữa bệnh, phát triển về quy mô, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao và nhiều tiến bộ y khoa được ứng dụng…

* Vẫn còn lắm nhiêu khê

Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình thực hiện Luật BHYT cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và vướng mắc.

Hiện nay, nhóm đối tượng BHYT bắt buộc mới chỉ có 6 nhóm. Việc mở rộng và phát triển thêm các nhóm đối tượng tham gia BHYT còn chậm, một số địa phương mới chỉ hơn 50% dân số có BHYT.  Trong số này, có cả đối tượng thuộc các nhóm bắt buộc phải tham gia BHYT theo lộ trình quy định, như: sinh viên, học sinh, người cận nghèo… Không ít người dân chỉ tham gia BHYT tự nguyện khi mắc bệnh mạn tính, chi phí chữa trị cao.

Mặt khác, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm, vẫn còn gần 20% trẻ ở nhóm này chưa có thẻ BHYT. Đối tượng cận nghèo dù đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, nhưng nhiều người vẫn không có được 30% còn lại để mua thẻ. Người dân không muốn chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là các trạm y tế vì điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn của bác sĩ ở trạm còn hạn chế. Đặc biệt, những vướng mắc trong quá trình đồng chi trả; việc nhiều người dân không biết phải mua thẻ BHYT ở đâu hoặc quyền lợi của mình ra sao; bệnh nhân có BHYT vẫn phải chịu cảnh khám bệnh chờ lâu… là những nguyên nhân khiến nhiều người dân chưa mặn mà với việc tham gia BHYT.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết: "Việc thực hiện đồng chi trả (theo các mức 5-20% tùy theo nhóm đối tượng) và phần chi phí người bệnh phải thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn vượt mức 40 tháng lương tối thiểu đã gây khó khăn cho người bệnh, nhất là những người nghèo, người mắc các bệnh mạn tính. Chưa kể, cơ quan giám sát là BHXH can thiệp quá sâu vào chuyên môn, gây khó cho các bác sĩ và bệnh viện. Cụ thể như khi phẫu thuật đóng nẹp xương cho bệnh nhân gãy chân, nhân viên giám sát BHYT tại bệnh viện yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải ghi chi tiết từng loại đinh, nẹp, loại đinh nào đóng vào vị trí số mấy… trong khi điều này đã được thể hiện rõ trong bệnh án".

Trong khi đó, Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Văn Mai lại cho rằng, nếu không tăng cường giám sát, khả năng vỡ quỹ luôn rình rập. Bởi việc giám sát giá thuốc, vật tư y tế tiêu hao, chỉ định điều trị (đặc biệt là nhóm hỗ trợ điều trị) tại các cơ sở y tế luôn gặp khá nhiều khó khăn…

Phương Liễu

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét