Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Trường đại học Lạc Hồng: Kết nối sinh viên với doanh nghiệp


Đến nay, Trường đại học Lạc Hồng đã ký kết thỏa thuận chương trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên với 558 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trường không ngừng lớn mạnh, khẳng định một trường đại học uy tín trong hệ thống các trường đại học của cả nước.

Hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bám sát với nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng để trường tiếp tục phát triển trong những năm tới.

* Gắn kết với doanh nghiệp

Theo Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, ngay từ những ngày thành lập. trường đã đứng trước không ít khó khăn, song cũng có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, trường được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm  phía Nam, có nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Ngoài Đồng Nai, còn có nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Định hướng phát triển xuyên suốt của trường cho đến nay vẫn là lấy người học làm trung tâm. Việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải gắn với thực tế, đồng thời luôn bám sát nhu cầu của thị trường lao động. "Doanh nghiệp cần gì thì trường phải đào tạo cái đó chứ không phải có gì thì đào tạo nấy" – bà Lan cho biết thêm.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao công nghệ máy lắp ráp tự động cho Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam. Ảnh: Công Nghĩa
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao công nghệ máy lắp ráp tự động cho Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam. Ảnh: Công Nghĩa

Từ những khóa sinh viên đầu tiên của Trường đại học Lạc Hồng cho đến nay đều được trải qua giai đoạn thực tế tại các doanh nghiệp, các khu chế xuất, đây là điều kiện bắt buộc với sinh viên trước khi được thi hoặc xét tốt nghiệp. Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển cho biết, để chương trình đào tạo gắn với thực tế, trường đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, góp ý để xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên các ngành. Khi nhận được đề nghị của nhà trường, các doanh nghiệp đều sẵn sàng mở cửa để đón nhận sinh viên đến thực tập và tìm hiểu thực tế. Trường còn cùng với doanh nghiệp nhiều lần thành công trong việc đưa giảng viên, sinh viên tham gia vào quá trình nghiên cứu và tìm giải pháp cho vấn đề quản lý, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Nhờ quá trình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đến nay Trường đại học Lạc Hồng đã có được nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và cấp bộ, đặc biệt nhiều đề tài nghiên cứu của giảng viên và sinh viên được chuyển giao trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng và được đánh giá cao về mặt ý tưởng, giải pháp và hiệu quả.

Theo anh Nguyễn Văn Phi, cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, hiện là Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khi còn là sinh viên ngành công nghệ thông tin, ông được thực tập tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Phi lại được chính bệnh viện tiếp nhận làm việc nhờ đã sáng tạo ra phần mềm quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, giúp bệnh viện quản lý được các thông tin về bệnh án, việc khám bệnh tại các khoa, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế…

* Tự tin khi tìm việc làm

Theo ông Lê Văn, Phó giám đốc Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Đồng Nai), ngân hàng này hiện không ngừng mở rộng thị trường nên nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm việc ngay để phát triển hệ thống tại Đồng Nai là rất lớn. Ông Văn cho biết, những năm qua, chất lượng đào tạo sinh viên ngành tài chính ngân hàng của Trường đại học Lạc Hồng được Sacombank đánh giá tốt, có nhiều lợi thế so với những sinh viên ở các nơi khác về Đồng Nai tìm việc. Trong số 140 nhân viên đang làm việc tại Sacombank Đồng Nai có trên 25% là sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng, và những năm tới  cũng ưu tiên tuyển dụng sinh viên của trường.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam (KCN Loteco) cho biết, những năm qua đã có rất nhiều sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng đạt kết quả thực tập tốt đã được nhận vào làm việc ngay tại Nec Tokin với mức lương cao khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp ra trường, đặc biệt đã có 4 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trường ứng dụng tại Nec Tokin đã được các nhà quản lý Nhật Bản đánh giá cao về mặt ý tưởng, giải pháp và hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Vui, Tổng vụ Công ty TNHH VMEP Việt Nam (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ sự chủ động hợp tác giữa Trường đại học Lạc Hồng và VMEP nên những năm qua đã có rất nhiều sinh viên của trường đã đến tham qua và giao lưu tại VMEP, đồng thời VMEP đã tiếp nhận vào thực tập hàng ngàn sinh viên của trường. Nhiều sinh viên của trường hiện đang đảm nhận các chức vụ trưởng, phó phòng của VMEP. Ông Vui đưa ra nhận xét, lượng sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng hàng năm tốt nghiệp ra trường khá ổn định nên công ty không lo thiếu nguồn nhân lực nếu muốn tuyển dụng, mặt khác sinh viên sau khi được nhận vào làm việc có tinh thần làm việc nghiêm túc và gắn bó lâu dài. "VMEP mong muốn sẽ có nhiều hợp tác tốt hơn nữa với Trường đại học Lạc Hồng từ quá trình đào tạo, thực tập cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường sau đó quay lại VMEP làm việc lâu dài" – ông Vui bày tỏ.

Nếu sinh viên được đào tạo gắn liền với kiến thức thực tế, khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên sẽ có thể tự kiếm được việc làm, thậm chí có thể tìm được việc làm ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp, đó cũng là ý kiến của nhiều cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng.

Lê Nhung

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét