Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Quỹ học bổng “Tiếp bước cho em đến trường”: Cơ hội viết tiếp ước mơ…


Ra đời vào năm 2010, đến nay sau 2 năm triển khai thực hiện, Quỹ học bổng "Tiếp bước cho em đến trường" đã chắp thêm bao hy vọng, vun đắp thêm niềm tin cho những mảnh đời áo trắng cơ cực, bất hạnh…

Lên 8 tuổi, Trần Thị Thu Hương (hiện là học sinh lớp 7/3 Trường THCS Bình Sơn, huyện Long Thành) đã phải gánh chịu nỗi đau mất mẹ. 3 năm sau, cha của em cũng đột ngột ra đi khi đang làm việc, không kịp nhìn mặt các con. Từ đó, 3 chị em sống nương tựa vào tình thương của ông bà nội. Ông bà cũng đã già yếu, không làm gì ra tiền, sống nhờ vào những khoản hỗ trợ ít ỏi của các chú, giờ thêm 3 "con gà con" mồ côi, cảnh nhà càng khốn khó thêm.

Các em học sinh dự lễ trao hoc bổng
Các em học sinh dự lễ trao hoc bổng “Tiếp bước cho em đến trường” năm học 2011-2012. Ảnh: C. Nghĩa

Trong ngôi nhà không có người lớn ấy, cô bé Thu Hương 12 tuổi trở thành điểm tựa cho các em. Lo cơm nước, tính toán chi tiêu, bảo ban em học hành… cứ thế 3 đứa trẻ mồ côi ấy lặng lẽ sống, lặng lẽ thực hiện ước nguyện của cha mẹ: học cho nên người, học để trở thành cô giáo. Khoản học bổng "Tiếp bước cho em đến trường" được nhận năm 2011 đã giúp 3 chị em Hương phần nào vơi được nỗi lo đứt đoạn việc học.

* Tuổi nhỏ, nghị lực cao

Cũng giống như Thu Hương, Trần Thị Sao Băng (lớp 7 Trường THCS Hồ Thị Hương, TX. Long Khánh) mồ côi cha từ nhỏ. Cả nhà ở trong căn phòng trọ nhỏ xíu, mẹ bán vé số nuôi 3 chị em không nổi, phải đứt ruột gửi bớt chị của Sao Băng về Đắk Lắk nhờ ngoại nuôi giúp. Mới lên 8 tuổi, Sao Băng đã biết một buổi đi học, buổi còn lại đi bán vé số với mẹ. Vậy mà ngoài việc 7 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, cô bé bán vé số ấy còn làm lớp trưởng, nằm trong Ban chỉ huy Liên đội của trường, hoạt động rất nhiệt tình, tích cực.

Cô Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Thị Hương cho biết, Sao Băng vừa thông minh, vừa rắn rỏi nghị lực đến bất ngờ so với cái tuổi 12 của em. Việc của lớp, việc của đoàn thể, việc học hành, cả việc làm thêm đều được em sắp xếp hoàn thành chu đáo. Cứ buông sách vở là em tranh thủ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán vé số, khuya về mới cặm cụi học bài, đêm nào cũng phải xong bài vở mới chịu đi ngủ. Mới đây, ngày thứ bảy, chủ nhật em còn đi phụ việc ở các nhà hàng, tiệc cưới để có thêm tiền giúp mẹ. Năm rồi, Sao Băng được nhận học bổng "Tiếp bước cho em đến trường", khoản tiền này đã được em sử dụng để đi học Anh văn.

Mới sinh ra, Tán Thị Lệ Hằng (lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Thống Nhất) đã không may mắn, chịu cảnh tật nguyền, không thể đi lại, chạy nhảy bình thường như bạn bè. "Họa vô đơn chí", cha của em sau một trận bệnh nặng đã bị bại liệt, phải nằm một chỗ, mọi chi tiêu trong nhà từ ăn uống đến thuốc men cho hai cha con đều trông vào tiền công làm bún của mẹ nên gia đình em rất khó khăn, phải sống nhờ trợ cấp của Nhà nước. Thế mà lúc nào Hằng cũng lạc quan yêu đời. Thầy Nguyễn Như Dũng, Tổng phụ trách Đội của trường cho biết, năm nào Hằng cũng là học sinh giỏi. Không vận động được như bạn bè, vậy mà em không bỏ buổi học thể dục nào của lớp, trong khi các bạn tập thể dục em cũng xuống sân, ngồi ở ghế đá động viên cổ vũ mọi người, cả giờ sinh hoạt Đội cũng vậy. Đi đứng khó khăn, vậy mà khi được một nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe đạp, Hằng cũng hì hục đánh vật với chiếc xe để rồi "chiến thắng" nó, ngày nào cũng lịch xịch đạp đến trường khiến bạn bè vừa yêu mến, vừa nể phục.

* Thêm cơ hội, thêm ước mơ

Theo thống kê của ngành GD-ĐT, trong năm học 2011-2012 vừa qua, toàn tỉnh có đến 3.177 học sinh bỏ học (chiếm tỷ lệ 0,73% tổng số học sinh trong tỉnh), trong đó có 23% học sinh THPT bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, Quỹ học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” ra đời cùng với các quỹ học bổng và tài trợ khác không chỉ nhằm chăm lo cụ thể hơn cho học sinh nghèo, ngăn dòng bỏ học, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Từ sự hỗ trợ kịp thời của quỹ học bổng, nhiều học sinh đã được tiếp tục cắp sách đến trường, đến với giảng đường đại học, có điều kiện tốt hơn để học tập, thêm động lực để viết tiếp ước mơ của mình. Như em Nguyễn Trọng Nhân, nhờ khoản học bổng tiếp sức khi còn học ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Trảng Bom), nay đã trở thành sinh viên đại học ngành công nghệ thông tin. Hay như các em Thu Hương, Sao Băng, Lệ Hằng, khoản hỗ trợ từ quỹ học bổng đã giúp các em tiếp tục đến trường, học thêm ngoại ngữ, thêm tin yêu vào cuộc sống.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét