Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Dân tin Đảng, Đảng vì dân


Công tác Dân vận được Đảng ta xác định là công tác chiến lược của cách mạng. Vì vậy, để củng cố truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15-10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác Dân vận đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Dân vận xuất phát từ cái tâm

Nội dung, khái niệm và mục đích của công tác Dân vận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Đảng, Chính phủ giao cho". Người cũng nhắc nhở: "Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Do đó phương pháp phải hết sức linh hoạt và phong phú nhưng cốt lõi là xuất phát từ cái tâm, đạo đức và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên với nhân dân. Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận". Đó là sai lầm rất to, rất có hại. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận".

Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại buổi kiểm tra quy chế dân chủ tại Công an TX. Long Khánh. Ảnh: H. Tiến
Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại buổi kiểm tra quy chế dân chủ tại Công an TX. Long Khánh. Ảnh: H. Tiến

Trải qua hơn 82 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, với bản chất là Đảng cách mạng chân chính, nên bên cạnh những thành tựu đạt được, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng" cũng nghiêm túc nhận khuyết điểm là còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tiêu cực, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng.

* Thường xuyên lắng nghe dân

Trong giai đoạn cách mạng mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục xác định: "Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng… Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác Dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền dân chủ của mình".

Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi cần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Điều này thể hiện ở một số nội dung, như: Mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất thiết phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là người có đạo đức, phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; dựa vào dân để xây dựng Đảng, phải chăng Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, nhất là phản ánh những vấn đề nổi lên trong nhân dân; thực hiện phản biện, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên và bộ máy công quyền.

Viên Hồng Tiến

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét