Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Tâm huyết với ngành cơ khí


Doanh nghiệp tư nhân cơ khí kỹ thuật Trung Cao tại KP7, phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa đã có tuổi nghề 22 năm. Trung Cao chuyên làm hàng gia công theo đơn hàng của khách, từ chi tiết máy, khuôn đúc đến những loại máy móc nông nghiệp, công nghiệp và điện cơ.

Chủ doanh nghiệp này là ông Phùng Ngọc Trung, một kỹ sư cơ khí. Bốn thành viên còn lại trong gia đình ông, từ vợ đến các con đều theo nghề. Vợ chồng người con gái đầu của ông Trung đều là kỹ sư cơ khí, người con trai út trong gia đình cũng sắp tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với ngành chế tạo máy.

Ông Phùng Ngọc Trung cùng con trai tại xưởng cơ khí.  Ảnh: B.NGUYÊN
Ông Phùng Ngọc Trung cùng con trai tại xưởng cơ khí. Ảnh: B.NGUYÊN

Ông Phùng Ngọc Trung và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Trang vốn là đồng nghiệp trong một công ty Nhà nước thuộc ngành cơ khí. Khi Nhà nước bỏ bao cấp, năm 1990, vợ chồng ông quyết định ra mở cơ sở cơ khí riêng. Lúc khởi nghiệp, hai người phải vay mượn khắp nơi mới đủ 15 triệu đồng đầu tư "bộ đồ nghề" ban đầu, dù chỉ có vài loại máy móc cơ bản, như: máy tiện, khoan, hàn… Thời gian đầu, cơ sở vừa nhận làm hàng gia công, vừa nhận dịch vụ sửa chữa, bảo hành các loại máy móc, thiết bị. Sau đó vài năm, làn sóng đầu tư của nước ngoài tràn vào Đồng Nai đã mở ra cơ hội tốt cho cơ sở phát triển với hàng loạt đơn đặt hàng làm gia công các loại máy móc trong ngành công nghiệp. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, cơ sở đã nhận được nhiều đơn hàng gia công các loại máy móc dùng trong sản xuất gỗ với giá trị lên đến 400 triệu đồng/sản phẩm.

Năm 2002, Doanh nghiệp tư nhân cơ khí kỹ thuật Trung Cao được thành lập, mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp cũng mở thêm dịch vụ cho thuê xe hơi, xe du lịch tự lái và các dịch vụ nhận hợp đồng đưa rước khách. Đến nay, Trung Cao có hơn 40 công nhân, kỹ sư đang làm việc. Khách ở Hà Nội, Đắk Lắk, các tỉnh miền Tây cũng tìm đến đặt hàng. Các đơn hàng cũng đủ loại, từ gia công làm các loại máy nhỏ, như: máy cắt hành củ, máy cắt cỏ cho đến các loại máy ép bùn có giá hàng tỷ đồng. Năm 2011, doanh thu của doanh nghiệp này đạt khoảng 60 tỷ đồng. Theo ông Trung, ngành cơ khí đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, bởi vì chỉ làm một chiếc bánh răng cho loại máy nào đó mà tính toán sai một chút cũng không làm ra. Do đó, việc xây dựng đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Hơn 20 năm tâm huyết, trăn trở trong nghề, vợ chồng ông Trung cho biết mong muốn của mình là ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy móc của Việt Nam sẽ phát triển, trở thành mũi nhọn của nền kinh tế nước nhà. Vợ chồng ông Trung đã truyền lại cho các con niềm tin này để tiếp nối chí hướng của cha mẹ mình. Đầu tư cho tri thức là điều các thành viên trong gia đình những người yêu ngành cơ khí này chuẩn bị để sẵn sàng đón cơ hội trong tương lai.

Bình Nguyên



0 nhận xét:

Đăng nhận xét