Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

NSND Giang Mạnh Hà: Cải lương vẫn hấp dẫn - Sài gòn Giải Phóng


Trong số các thành viên Ban giám khảo Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đang diễn ra tại Đồng Nai, có một nghệ sĩ – đạo diễn cải lương đầu tiên của quê hương Đồng Nai vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Đó chính là NSND Giang Mạnh Hà. Bên lề liên hoan, phóng viên Báo SGGP đã gặp gỡ, trò chuyện cùng ông.

NSND Giang Mạnh Hà

- PV:

Từ thực tế đi dàn dựng ở rất nhiều nơi, ông nhận xét gì về sức sống của cải lương?

>> NSND GIANG MẠNH HÀ: Hàng năm, tôi đều đi nhiều nơi dàn dựng cải lương, kể cả ra miền Bắc và nhận thấy khán giả vẫn thích xem. Ở liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Đồng Nai, khán giả đến coi rất đông. Như vậy rõ ràng cải lương vẫn hấp dẫn khán giả. Các vở diễn có đề tài đương đại, khán giả xem thấy được bóng dáng của họ, của người thân, bạn bè trong đó nên thấy rất thích.

- Hiện là "đầu tàu" của cải lương Đồng Nai, ông quan tâm đến điều gì để khi liên hoan khép lại, khán giả có tiếp tục được xem những vở diễn hay?

Thực ra, liên hoan này cũng làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, khán giả có nhiều đối tượng như lực lượng vũ trang, sinh viên học sinh, công nhân lao động, nông dân… thì chắc chắn rằng, sau khi khép lại 27 vở diễn, đặc biệt là toàn vở diễn có đề tài đương đại, những người làm nghề sẽ đúc tỉa được cái mà khán giả đang cần ở cải lương hiện nay để tìm hướng đi phù hợp nhất. Có lẽ, với những đề tài hiện đại thì phải đi vào những vấn đề "nóng", có tính xung đột mạnh mẽ, tiết tấu phải nhanh và những va đập trong cuộc sống. Bên cạnh đó, vẫn phải chú trọng đến tính định hướng, tính trí tuệ để nâng tầm khán giả. Bởi khán giả vẫn cần những vở diễn có chiều sâu, có nội dung tư tưởng tốt để xem và học hỏi, hướng đến sự hoàn mỹ hơn.

- Có vẻ chúng ta ít khi để ý đến việc xây dựng lớp khán giả riêng cho loại hình nghệ thuật này. Cho nên, khán giả cải lương đang ngày càng mai một, thưa dần. Anh nghĩ sao về điều này?

Đây là điều mà chúng tôi cũng rất trăn trở. Trước đây, chúng ta có dự án sân khấu học đường, đưa tất cả các loại hình kịch hát dân tộc vào trường học biểu diễn phục vụ học sinh. Tiếc là dự án này không kéo dài được lâu. Theo tôi, muốn có khán giả kế tục, tất cả phải bắt đầu từ các em học sinh. Cho nên, chúng ta cần phải tăng cường biểu diễn, giới thiệu để các em học sinh được xem, được tìm hiểu… Về điều này, chúng tôi cũng đã nhiều lần đóng góp ý kiến với Bộ VH-TT-DL rằng cần phải có những chương trình đào tạo khán giả trẻ đối với loại hình kịch hát dân tộc, để qua đó không chỉ có được lực lượng khán giả kế tục mà biết đâu rằng, trong số những người trẻ đó còn có những tài năng trẻ bổ sung cho cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc khác.

Cảnh trong vở cải lương "Vượt qua tâm bão" do NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng cho Đoàn cải lương Đồng Nai dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

- Trong tình hình khó khăn như hiện nay, các nghệ sĩ cải lương có sống được bằng nghề của mình?

Năm 2011, chúng tôi đã xin chủ trương thực hiện đề án "chiêu hiền đãi sĩ" để có thể giữ chân những người tài gắn bó, cống hiến lâu dài cho nghệ thuật cải lương bằng việc nâng cao mức bồi dưỡng biểu diễn, luyện tập… Hiện nay mức bồi dưỡng nghệ sĩ đã được nâng lên gấp nhiều lần so với trước đây. Theo đó, mỗi suất diễn, NSND được bồi dưỡng 350.000 đồng; NSƯT, đào chính, kép chính 300.000 đồng và thấp nhất là hậu đài 180.000 đồng. Nếu tính sơ sơ, với 150 suất diễn theo chỉ tiêu được giao trong năm, các đào chính, kép chính đã nhận được trên 70 triệu đồng (trước đây chỉ khoảng 11 triệu đồng), chưa kể lương cơ bản, tiền thanh sắc, lưu trú, tiền tập luyện… và với mức thu nhập này, ai nấy đều phấn khởi làm việc.

Đỗ Hạnh (thực hiện)

Source Article from http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nguoicuacongchung/2012/10/302676/



0 nhận xét:

Đăng nhận xét