Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu: Diện mạo giao thông nông thôn đổi thay nhờ "dân vận"


Tân Bình là 1 trong 3 xã được chọn điểm xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Cửu và đang trong quá trình nỗ lực "về đích" vào năm 2013 để trở thành xã đầu tiên của huyện đạt tiêu chí này. Có được thành quả ấy là nhờ xã đã làm tốt công tác dân vận trong thời gian qua.

Để có được hiệu quả này, hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc và thể hiện vai trò rõ nhất là khối Dân vận của xã. Từ đó, nhiều chủ trương của tỉnh, huyện và địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân và được triển khai thực hiện một cách thuận lợi trên địa bàn xã. Nổi bật là trong công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn.

* Chưa nhận bồi thường đã bàn giao đất

Tuyến đường 768 đi qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu đang được đầu tư nâng cấp. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đúng tiến độ. Riêng đoạn qua xã Tân Bình có chiều dài khoảng 5km với 260 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 208 hộ có diện tích đất bị thu hồi. Điều đặc biệt là, tuy hầu hết các hộ dân đều chưa nhận tiền đền bù nhưng bà con vẫn tự nguyện bàn giao mặt bằng.

Khởi công nâng cấp đường ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu vào ngày 14-10-2012.
Khởi công nâng cấp đường ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu vào ngày 14-10-2012.

Cụ thể như ở ấp Bình Ý là nơi có hơn phân nửa trên tổng số hộ có diện tích đất phải thu hồi trong toàn xã để làm đường 768. Bí thư Chi bộ ấp Bình Ý Phan Văn Hùng cho biết: “Nhân dân trong ấp qua vận động đã chấp hành tốt việc giải tỏa mặt bằng để bàn giao, hiện phần bàn giao mặt bằng đường hoàn thành đã lâu. Xã và ấp cũng đã tiến hành vận động các hộ dân có nhà bị giải tỏa đồng ý nhận ứng trước 70% tiền tạm tính đền bù để thực hiện công trình. Đến nay địa phương chỉ còn vướng việc di dời, giải tỏa hành lang lưới điện trung thế”.

Không chỉ vận động nhân dân đồng thuận và chấp hành tốt việc bàn giao mặt bằng thi công đường 768, những năm qua, qua công tác vận động, nhân dân xã Tân Bình cũng đã tự nguyện hiến đất, góp tiền để đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường hẻm đi vào các khu dân cư ở các ấp, như: Tân Triều, Vĩnh Hiệp, Bình Phước, Bình Ý… góp phần tạo vẻ mỹ quan và thuận tiện cho việc đi lại ở nông thôn. Ngoài ra, 12/12 hộ dân sống ven rạch Tân Triều cũng đã nhận tiền và nhận đất tái định cư để di dời, phục vụ cho thi công, gia cố bờ kè rạch Tân Triều; cải tạo, chuyển đổi vườn tạp thành vườn chuyên canh cây bưởi đặc sản…

* Cần phải minh bạch

Bí thư Chi bộ ấp Bình Ý Phan Văn Hùng cũng chia sẻ: kinh nghiệm mà ông đã áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua là khi tiến hành dân vận, điều trước tiên là phải thông tin rõ ràng, minh bạch chủ trương đó. Cốt lõi là làm sao để người dân vừa nhận ra lợi ích chủ trương mang lại cho xã hội, cho cộng đồng, đồng thời cũng thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình. Ông Hùng cũng nhấn mạnh, trong công tác dân vận rất cần đến những người có uy tín tại cộng đồng dân cư để tác động và trong quá trình vận động, người làm công tác dân vận không thể "hứa".

Ông Lê Văn Lâm – Trưởng khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Bình cho rằng, để thực hiện tốt công tác Dân vận, trước hết là cần phải có sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Sau đó là việc các cán bộ, đảng viên từ xã đến ấp phải tích cực và trách nhiệm vào cuộc thực hiện chủ trương. Trong đó, cơ sở phải đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tất cả mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội đều được đưa ra dân bàn bạc, cho ý kiến theo cơ chế "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Minh Tân

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét