Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Chuyện về người “làm dâu trăm họ”


Chị Huỳnh Thị Bích Phượng
Chị Huỳnh Thị Bích Phượng

34 năm trong nghề quản lý nhà hàng, khách sạn không phải là quãng thời gian ngắn. Có lẽ, chỉ khi thực sự yêu và tâm huyết với nghề, người ta mới có thể gắn bó với nghề "làm dâu trăm họ" này lâu đến thế. Nghề không phụ người, nhắc đến ngành nhà hàng, khách sạn tại Đồng Nai, rất nhiều người biết đến chị Huỳnh Thị Bích Phượng, Phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch Đồng Nai.

Ngồi với chị ở nhà hàng Đồng Nai bên bờ sông lộng gió, một nhóm khách quen ồn ã kéo vào, đến chào chị. Một vị khách đùa: "Chỗ nào có Phượng là em tới ăn !". Chị cười, nói có nhiều khách quen "theo" chị từ khách sạn này sang nhà hàng khác, bởi sự yên tâm về chất lượng và khẩu vị.

* Duyên với nghề

Không sầm uất như các đô thị du lịch hay dịch vụ, nhắc đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại Đồng Nai là nhắc đến khách sạn Hòa Bình, khách sạn Đồng Nai, nhà hàng Cọ Dầu… Chỉ sau này mới có thêm khách sạn Wooshu, còn từ trước đến nay mọi tiệc tùng đình đám, ăn ở, nghỉ ngơi đều dồn về mấy "tên tuổi" nói trên, một phần vì luôn có thực đơn phong phú, hợp khẩu vị và sự chăm sóc tinh tế đến nhu cầu của khách. Và chị Phượng "Hòa Bình" là người đứng sau những ưu điểm ấy.

Năm 1978, khi vừa 22 tuổi, chị Phượng bắt đầu gia nhập ngành nhà hàng – khách sạn với vai trò kế toán ở Công ty khách sạn ăn uống, sau này sáp nhập với Công ty du lịch Đồng Nai thành một đơn vị chung. Vừa làm vừa học, cộng thêm sự yêu thích ngành ẩm thực, cùng khẩu vị tinh tế và đôi tay khéo léo nên khi chuyển hẳn sang ngành nhà hàng, chị đã gầy dựng được nhiều thứ, bắt nguồn từ sự chăm chút sáng tạo cho 2 vấn đề chính của ngành: ăn – ở. Khách sạn nào dưới sự quản lý của chị, phòng ốc phải tinh tươm, sạch sẽ, gọn gàng… trong điều kiện tốt nhất có thể.

Ở khía cạnh "ăn", việc bắt tay vào thay đổi thực đơn và cung cách phục vụ của cả một hệ thống nhà hàng – khách sạn của một công ty nhà nước là chuyện không đơn giản. Tuy vậy, chị vẫn quyết tâm làm. Năm 1993, lần đầu tiên tiệc buffet có mặt ở Đồng Nai, tại khách sạn Hòa Bình và nó nhanh chóng nổi tiếng. Sau đó, mô hình này được áp dụng phổ biến trong toàn hệ thống, từ khách sạn Đồng Nai đến nhà hàng Cọ Dầu. Lãnh đạo tỉnh khi đãi khách quý, khách từ Trung ương, khách nước ngoài… đều yên tâm giao cho Hòa Bình lo thực đơn. Việc lên thực đơn đãi tiệc cũng không dễ, bởi phải đáp ứng nhiều tiêu chí: ngon, lạ, tinh tế… phù hợp với từng dạng tiệc. Và chị Huỳnh Thị Bích Phượng phải bỏ rất nhiều tâm huyết cho việc này bởi chị hiểu, chính nó sẽ góp phần làm nên thành công của nhà hàng.

* "Thương hiệu" Phượng "Hòa Bình"

Nhiều người gọi chị là Phượng "Hòa Bình" – cái tên như một "nghệ danh" gắn với chị từ khi khách sạn Hòa Bình được chị vực dậy từ đầu những năm 1990. Dù sau này, khá nhiều nhà hàng khác nổi tiếng tại Đồng Nai cũng có tiếng từ bàn tay chị: khách sạn Đồng Nai, nhà hàng Cọ Dầu, nhà hàng Đồng Nai, trung tâm hội nghị và tiệc cưới Golden Lotus… thì cái tên này vẫn gắn bó với chị. Nhiều người còn nhớ, năm 1991, chị tiếp quản khách sạn Hòa Bình trong tình trạng thua lỗ sau một thời gian giao cho một Việt kiều kinh doanh. Và chỉ sau đó 1 năm, Hòa Bình dần "sống" lại…

Một góc nhà hàng Sen Vàng (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa).  Ảnh: V. Lâm
Một góc nhà hàng Sen Vàng (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa). Ảnh: V. Lâm

Nếu nói lòng yêu nghề làm nên sự gắn bó và cả sự thành công trong nghề nghiệp, ở chị, chắc hẳn là chưa đủ. Những ai thân mới biết rằng công việc có ý nghĩa lớn lao đến mức nào đối với chị, bởi từ năm 23 tuổi, chị đã dành toàn bộ thời gian của một người mẹ đơn thân cho công việc, đến nỗi sau này chị nói "cảm thấy có lỗi nhiều với con gái". Cả một thời gian dài, mỗi ngày chị đến bếp thật sớm, xem xét tỉ mỉ từng thứ: rau, củ, thịt, cá… để bảo đảm những món ăn dọn lên trên bàn của Hòa Bình, của Cọ Dầu hay Golden Lotus phải thật tươi ngon và sạch sẽ. Không gian ăn uống cũng là điều chị Phượng "Hòa Bình" luôn để mắt bởi với chị, sự chỉn chu, sạch sẽ là tối quan trọng đối với dịch vụ này, nhất thiết không thể "qua loa đại khái".

Đến lúc này, khi con gái đã trưởng thành và có sự nghiệp riêng, chị vẫn đi về một mình, và "gia đình" lớn nhất vẫn là Hòa Bình, là nhà hàng Đồng Nai, Golden Lotus… Và điều áy náy lớn nhất đối với chị, không phải là "chuyện công" mà là "chuyện tư" bởi chị vẫn thấy mình chưa dành nhiều tâm huyết, thời gian của một người mẹ cho cô con gái sớm mất cha. Bởi cả một đời "làm công ăn lương", chỉ làm việc và cống hiến, chị chưa từng nghĩ đến điều gì riêng tư cho bản thân và không thể dành nhiều thời gian sẻ chia hay chỉ dạy cho con gái" – như lời bộc bạch của chị – người phụ nữ nổi tiếng trong ngành nhà hàng – khách sạn Đồng Nai.

Vi Lâm

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét