Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác PCCC mùa ... - cand.com


Thời điểm này là cao điểm của mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy lớn, cháy lan trong các khu dân cư, cháy rừng, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, nhà cao tầng… ở tỉnh Đồng Nai luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Năm 2012 ở Đồng Nai đã xảy ra 43 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 22 người, gây thiệt hại số tài sản hơn 50,49 tỷ đồng. Riêng tháng 1-2013, ở tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 5 vụ cháy. Trong đó vụ cháy chợ Phú Lợi (huyện Định Quán) vào lúc 20h10 ngày 10-1, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi hàng hóa của các tiểu thương trị giá trên 14,3 tỷ đồng.

Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho biết: Để đảm bảo cho công tác phòng chống cháy, nổ trong mùa khô 2013 đạt kết quả tốt, Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC các địa phương và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn PCCC; nhất là các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các làng nghề, các khu công nghiệp – cụm công nghiệp, nhà cao tầng, chung cư, các khu dân cư tập trung…

Diễn tập chữa cháy một trung tâm thương mại.

Nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ; trong tháng 1-2013, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra 764 lượt cơ sở, gồm: 239 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; 47 chợ và trung tâm thương mại; 70 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ… Qua kiểm tra đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 85 trường hợp vi phạm, đã tiến hành xử phạt 75 trường hợp với số tiền 211,5 triệu đồng.

Điều đáng nói là phần lớn các doanh nghiệp chỉ lo chạy theo sản xuất, kinh doanh mà không coi trọng công tác PCCC. Các lỗi vi phạm phổ biến nhất là không bố trí người quản lý về PCCC ổn định, nên mỗi khi xảy ra cháy không biết thao tác các dụng cụ chữa cháy đơn giản nhất. Mặt khác, các trang thiết bị PCCC không được chăm sóc, bảo quản nên hư hỏng, xuống cấp, khi xảy ra cháy không sử dụng được. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp còn tự ý sửa đổi thiết kế nhà xưởng, mở rộng diện tích sản xuất, cơi nới công trình làm kho chứa hàng hóa, sản phẩm bịt kín các lối thoát hiểm, khoảng cách an toàn PCCC, cản trở đường hoạt động của xe chữa cháy. Những năm qua, ở Đồng Nai đã xảy ra hàng chục vụ cháy tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp – cụm công nghiệp, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (chiếm trên 70% thiệt hại của các vụ cháy). Nguyên nhân của các vụ cháy đều xuất phát từ sự buông lỏng quản lý PCCC và không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC của các chủ doanh nghiệp.

Hội thao kiểm tra công tác chữa cháy của các doanh nghiệp.

 Cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn PCCC, các đơn vị thuộc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai còn hướng dẫn các cơ sở xây dựng mới 26 phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; củng cố, bổ sung 20 phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhằm góp phần nâng cao kỹ-chiến thuật chữa cháy đối với lực lượng PCCC cơ sở, chủ động làm tốt công tác PCCC tại chỗ,  trong tháng 1-2013, Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã mở 17 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở với 390 người tham gia; huấn luyện bổ sung 18 lớp với 430 người tham gia. 

Theo Đại tá Võ Văn Sáng: Về lâu dài, để công tác PCCC được các doanh nghiệp tuân thủ phải có sự phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn PCCC của nhiều cấp, ngành. Đặc biệt, các ngành chức năng cần phối hợp chặt với lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ thiết kế khi xây dựng nhà xưởng sản xuất cũng như kiên quyết rút giấy phép, đình chỉ hoạt động khi doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC. Phải làm quyết liệt như vậy thì mới có thể hạn chế được các vụ cháy nổ xảy ra tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp – cụm công nghiệp

Source Article from http://www.cand.com.vn/vi-VN/trongmatdan/2013/2/191825.cand



0 nhận xét:

Đăng nhận xét