Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Tân Phú đổi thay từ xây dựng nông thôn mới


Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và nhận được sự giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả của tỉnh và Trung ương, nên chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Phú đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Phú chọn 3 xã làm thí điểm là: Phú Thịnh, Phú Thanh và Phú Xuân. Dù chưa hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra, nhưng bộ mặt nông thôn của các xã này đã có nhiều thay đổi.

* Đổi thay từ những xã điểm

Dễ thấy nhất là nhiều con đường giao thông liên ấp, liên xã từ những lối mòn tự phát đã được huyện nâng cấp, làm mới bằng bê tông xi măng. Có được kết quả này chính là nhờ đồng lòng vào cuộc từ chính quyền đến người dân và cả các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Điển hình như ở xã Phú Xuân, các cơ quan, ban ngành của xã phối hợp với Giáo xứ Ngọc Lâm và chùa Phước Lập đã cùng vận động nhân dân tham gia hưởng ứng. Cụ thể ở nhiều hộ gia đình có đường đi qua đã sẵn sàng hiến đất, chấp nhận chặt bỏ cây trồng mà không yêu cầu bồi thường; các hộ dân còn đóng góp theo quy định, cả về tiền của lẫn ngày công lao động. Nhờ vậy đến nay, Phú Xuân đã có hệ thống đường giao thông được nâng cấp hoàn chỉnh, khoảng 15km đường được bê tông hóa với kinh phí hàng chục tỷ đồng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đường sá được nâng cấp xây dựng không chỉ thuận lợi trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, mà giá trị đất cũng tăng lên đáng kể, nhà cửa cũng theo đó mọc lên san sát, trong đó có nhiều căn khang trang, bề thế.

Đường giao thông ở Phú Xuân.
Đường giao thông ở Phú Xuân.

Ngoài Phú Xuân, các xã Phú Thịnh và Phú Thanh cũng có cách làm tương tự khi chương trình tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Cùng với đường sá được nâng cấp, các công trình cơ sở hạ tầng khác, như: điện lưới, hệ thống nước sạch, trường, trạm cũng được xây dựng theo đúng quy chuẩn.

Trong sản xuất, người dân cũng đã dần thay đổi thói quen canh tác, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả kinh tế cao.

* Phong trào được nhân rộng

Từ thành công của những xã điểm này, những địa phương khác trên địa bàn cũng đã thực hiện theo tạo thành một phong trào rộng khắp. Tùy theo tình hình thực tế, mỗi xã đều có cách làm khác nhau, từ việc quy hoạch sản xuất theo vùng để hình thành các vùng cây chuyên canh, hay chọn những những cây trồng chủ lực để đưa vào sản xuất, từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Nhiều trang trại quy mô đã được hình thành.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt cho biết, trong những năm qua, huyện đã kết hợp tốt giữa phát huy nội lực với việc tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, bổ sung kịp thời những giải pháp để tổ chức thực hiện các chương trình, các đề án phát triển kinh tế – xã hội đạt hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy quá trình huy động các nguồn lực từ nhân dân được tập trung và kịp thời hơn. Trong phát triển kinh tế, huyện Tân Phú đã lựa chọn và thành công ở nhiều mũi đột phá, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp, hoặc hoa màu đem lại hiệu quả cao, hình thành những cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao để tăng năng suất và đảm bảo chất lượng.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, càng làm cho nhân dân tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính quyền địa phương. Đó cũng là cơ sở để huyện Tân Phú huy động sức dân xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng. Đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị và bà con nông dân đã đầu tư xây dựng được hàng chục km đường và kênh mương nội đồng, hàng trăm km đường giao thông nông thôn được chỉnh trang nâng cấp và làm mới…

Tiến Khang

 

 

 

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét