Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Bí mật ngôi mộ cổ ở Đồng Nai - Báo văn hóa Online







Trang chủ >
Di sản >
Bí mật ngôi mộ cổ ở Đồng Nai




Bí mật ngôi mộ cổ ở Đồng Nai
(01/11/2012)





Mộ Cự thạch Hàng Gòn. Ảnh: Bảo tàng Nhân học



VH- Không đồ sộ như Kim Tự Tháp của người Ai Cập, không vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành của người Trung Hoa…, nhưng sự bí ẩn, độ tinh xảo trong chế tác và vận chuyển đá trong quá trình xây dựng mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn ở xã Hàng Gòn, Long Khánh, Đồng Nai khiến cho bất cứ ai cũng phải "cúi mình" trước trí, lực của các bậc tiền nhân vùng đất này.

Sự phát hiện của người Pháp

Năm 1927, J Bouchot, một kỹ sư cầu đường người Pháp khi đang thi công tuyến đường số 2 đi từ Long Khánh – Bà Rịa Vũng Tàu (quốc lộ 56 ngày nay) đã phát hiện ra mộ cổ. Trong báo cáo của mình ông đã mô tả lại như sau: Mộ Cự thạch gồm 2 phần trong đó hầm mộ là một hình hộp chữ nhật với 6 tấm đá nguyên khối ghép giống như chiếc quan tài nằm chìm dưới đất từ 2,5 – 3,0m, phần nhà là các cột đá chôn dựng xung quanh với 10 trụ đá bố trí theo từng cặp.

Các trụ đá này có tiết diện hình bầu dục, đầu có khoét lõm, tạo mộng để gác cấu kiện khác có thể là các tiết diện gần tròn, bao quanh hầm tạo thành hai hàng. Vật liệu đá xây dựng mộ là đá hoa cương, sa thạch và đá bazan.

Sau khi được người Pháp phát hiện, đến nay đã có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu và nghiên cứu về di tích này và đã có thêm nhiều phát hiện mới.

Đó là cuộc khai quật khảo cổ khu vực năm 1996 do Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học TP.HCM đã phát hiện cách mộ chính khoảng 60m về phía đông có một vài cấu kiện đá tương tự các cấu kiện của mộ chính gọi là "khu chế tác đá".

Tiếp đó năm 2006, Ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai cùng Trung tâm Khảo cổ Đông Nam Bộ mở rộng điều tra khảo cổ quanh mộ cổ còn phát hiện thêm các mảnh gốm cổ, tro than, một bàn mài, hai chiếc tù và bằng đồng… Qua phân tích đã xác định niên đại của di tích này vào khoảng thời gian từ 150 năm trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.

Sơ đồ khu di tích Hàng Gòn

Còn ẩn chứa nhiều bí mật

Cho đến nay dù được nhiều nhà khoa học, nhà khảo cổ tìm hiểu, nghiên cứu song mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn vẫn còn là một điều bí ẩn. Chủ nhân của công trình đồ sộ này là ai? Sử dụng phương tiện, kỹ thuật gì trong quá trình chế tác, vận chuyển một khối lượng đá lớn từ nơi khác về
 đây để làm nên công trình này?

Bản thân người tìm ra quần thể di tích này, ông J Bouchot cho rằng mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn có quan hệ họ hàng với Dolmen Viễn Đông và là đại diện cho gia đình Dolmen châu Á. Đồng thời ông cũng tin rằng công trình này thuộc về dân bản địa có liên quan đến những người Gia rai đương đại.

Trong khi đó nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng đây là mộ của một lực lượng hùng mạnh, một quân đội có tổ chức chứ không phải của dân bản địa. Có giả thuyết cho rằng chủ nhân của ngôi mộ này thuộc hàng thủ lĩnh hùng mạnh của "Liên minh bộ lạc" nào đó (?!)…

Mặt khác, vật liệu đá hoa cương dùng trong xây dựng mộ cổ là loại đá không có ở vùng đất này mà được tìm thấy ở Đà Lạt, Phan Rang cách công trình xây dựng hàng trăm km. Vậy làm sao để có thể vận chuyển những khối đá có trọng lượng lên đến hàng chục tấn trong điều kiện không có đường bộ, lẫn đường thủy vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Ngoài ra trình độ kỹ thuật chế tác đá rất tinh xảo. Về kích cỡ mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn thuộc dạng lớn nhất trong khu vực với chiều dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được ghép từ 6 phiến đá lớn bằng những khớp nối chi tiết gần như hoàn chỉnh ở mộng gỗ, bề mặt được trau chuốt gần như nhẵn bóng. Riêng hai hàng trụ đá quanh mộ được làm bằng đá hoa cương và sa thạch trụ đá hoa cương có hình chữ nhật dài 7,5m, còn các cột đá sa thạch có chiều dài từ 3 đến 10m gần tròn, mài khá nhẵn.

Công trường chế tác đá được phát hiện năm 1996

Ông Nguyễn Văn Sáu, tự Sáu Nhỏ, 77 tuổi là cựu chiến binh, hiện là Trưởng ban Quý tế mộ Cự thạch Hàng Gòn cho biết: Theo lời kể các cụ già ở đây người ta gọi mộ Cự thạch Hàng Gòn là "Miễu Ông Đá" vốn rất đẹp và nguyên vẹn với đầy đủ hầm mộ, nhà mồ.

Năm 1927, Ba Rê một người lai có cha người Pháp, mẹ người Việt đến đây lập sở cao su Hàng Gòn và tiến hành khai quật mộ. Ba Rê bắt các tù nhân là người dân tộc, người trốn sưu thuế ở nhà tù Ông Yểm, Phước Long lên đào mộ, trong quá trình khai quật đã làm đổ, bể hư hại công trình này.

Sau khi khai quật mộ cổ đã tìm thấy một số đồ vật như thanh kiếm đồng, chiếc mũ vua, cặp nhẫn cưới, bộ đồ trang sức… ngay lập tức những đồ vật này được đóng thùng chuyển về Pháp. Một điều lạ lùng sau đó tất cả những người phu trực tiếp khai quật mộ đều trúng độc chết sau đó ít ngày.

Cũng theo lời ông Sáu Nhỏ thì mộ cổ Cự thạch này được xây dựng cho vị tướng quân tên là "Liêm Tướng Công" đánh trận đưa về đến đây thì tử thương. Do đó ngôi mộ này xây dựng để tưởng nhớ vị tướng này, tuy nhiên đây chỉ là "mộ gió" không có hài cốt. Hằng năm người dân ở đây lấy ngày 13.9 làm ngày vía tổ chức cúng giỗ cho vị "Liêm Tướng Công".

 Tù và bằng đồng được tìm thấy trong đợt khai quật năm 2006

 Tấm đá lớn được chế tác thủ công có độ phẳng, bóng khó tin

Một di sản lớn cần được bảo tồn và nghiên cứu

Có thể khẳng định mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn là một vật chứng cho tín ngưỡng cổ, hiện vật của thời kỳ tiền và sơ sử đất Đồng Nai. Nằm trong dòng chảy lịch sử, trong mối quan hệ với các nền văn hóa cổ khác của khu vực và vùng lân cận, là một mốc phát triển xã hội. Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm quần thể di tích này đang bị môi trường xâm thực nên bề mặt của đá bị phong hóa, biến chất, lỗ chỗ lồi lõm, nhiều chỗ giảm độ cứng, rêu mốc..

Trước thực trạng trên, Sở VHTTDL tỉnh đã giao cho Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm trong việc bảo quản, tu bổ và tôn tạo di tích này. Ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban quản lý cho biết: Hiện nay công việc bảo quản, tu bổ và tôn tạo di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn được Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung chịu trách nhiệm xây dựng các hạng mục bảo vệ và khai thác.

Như vậy sau khi dự án hoàn thiện sẽ bảo tồn di tích mộ cổ Cự thạch tốt hơn, nhằm chuyển giao cho những thế hệ sau một di sản khảo cổ có giá trị, một công trình kiến trúc tín ngưỡng quý hiếm. Ngoài ra đây sẽ còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Tân Phong


 

 

 







Source Article from http://www.baovanhoa.vn/disan/49581.vho



0 nhận xét:

Đăng nhận xét