Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Vi phạm cam kết quốc tế - Báo Đồng Nai


UBND tỉnh và Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai vừa nhận được văn bản của Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) thuộc UNESCO đề nghị dừng triển khai hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại vùng lõi khu DTSQ Đồng Nai. Điều đó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề này.

Văn bản đề nghị của MAB đã cảnh báo, các dự án thủy điện này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với quốc tế.

* Đề nghị dừng xây thủy điện

MAB nêu rõ trong văn bản, cộng đồng khoa học quốc tế và trong nước đánh giá rất cao về tính đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử và không gian văn hóa của khu DTSQ Đồng Nai. MAB cũng khẳng định, không thể thực hiện dự án thủy điện ở đây bởi định hướng phát triển khu DTSQ của UNESCO là sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhưng việc xây dựng hai nhà máy này sẽ gây tác động tiêu cực tới bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa và sinh kế của người dân. Văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý khu DTSQ  cần có những khuyến cáo mạnh mẽ đối với các cấp có thẩm quyền cho dừng triển khai hai nhà máy thủy điện này.



 Khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi đang bị dự án thủy điện nhăm nhe
Khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên – nơi đang bị dự án thủy điện nhăm nhe "dìm chết".

MAB cũng nhắc nhở, trước đây việc đổi tên và nâng cấp khu DTSQ này dựa trên sự cam kết và uy tín của UBND tỉnh Đồng Nai với 80% diện tích khu DTSQ nằm trên địa bàn của tỉnh. Ngoài ra, còn có những cam kết mà Việt Nam đã và đang tham gia, đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình "Con người và sinh quyển" của UNESCO, cụ thể là những khu DTSQ phải đóng góp vào việc xây dựng một nền "kinh tế xanh, xã hội xanh" quy mô toàn cầu trong khuyến cáo của UNESCO tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 vừa qua tại Brazil. Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng khung chiến lược của chương trình MAB 2011-2021 và không thể báo cáo Thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 về mạng lưới các khu DTSQ quốc tế đối với trường hợp của Đồng Nai, khi mà môi trường sống của các loài sinh vật bị chia cắt, cảnh quan bị phân mảnh, tính kết nối sinh vật bị phá vỡ, hệ sinh thái bị đảo lộn bởi các đập thủy điện ngay trong vùng lõi của khu DTSQ. MAB khuyến cáo rõ: Trong quá trình hội nhập quốc tế, hình ảnh của Việt Nam nếu chưa được là tấm gương sáng thì "không nên là ví dụ không tốt trong các trích dẫn báo cáo khoa học báo cáo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế".

* Sẽ vi phạm công ước

Tiến sĩ Phạm Hữu Khánh, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, Khu DTSQ phải chịu sự điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và MAB Việt Nam. Nghĩa là các hoạt động sinh kế và đầu tư (như thủy điện) phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn theo các công ước quốc tế (như: Công ước Đa dạng sinh học, Ramsar, Di sản…) theo hướng phát triển bền vững. Nếu có sự vi phạm hoặc bất lợi cho công tác bảo tồn ở những khu vực cần bảo tồn trọng yếu như Cát Tiên thì cần có giải trình rõ của Chính phủ nước sở tại đối với Liên hợp quốc.



Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu khảo sát tại Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A.           Ảnh: TẠ NGUYÊN
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu khảo sát tại Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Ảnh: TẠ NGUYÊN

 Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa được ban hành từ năm 2001 đã có các quy định cấm xâm hại các danh thắng quan trọng như VQG Cát Tiên. Bản thân VQG Cát Tiên rộng trên 71 ngàn hécta cũng đã được thế giới công nhận là Khu DTSQ vào năm 2001 do đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO. Đây được xem là diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới lớn cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, một vùng đất ướt được xem là cổ xưa nhất Việt Nam là Bàu Sấu rộng trên 3.500 hécta vào mùa mưa và thu hẹp khoảng 100 – 150 hécta vào mùa khô cũng được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là Khu Ramsar Quốc tế Bàu Sấu vào năm 2005.

Đối với luật pháp Việt Nam (Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…) thì việc xây dựng thủy điện vẫn chưa đảm bảo tuân thủ theo các điều luật đã nêu. Vi phạm điều 9 Luật Đa dạng sinh học về quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên 50 hécta, phải trình Quốc hội. Ngoài ra, nếu quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đa dạng sinh học có sự chồng chéo hoặc trùng lắp, thì ưu tiên cho việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Vân Nam

 

 

 

Source Article from http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201211/du-an-thuy-dien-dong-Nai-6-va-6a-Vi-pham-cam-ket-quoc-te-2203492/



0 nhận xét:

Đăng nhận xét