Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Xuất khẩu nông sản gặp khó

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm tại Đồng Nai giảm cả về số lượng lẫn giá trị. Dự báo, thị trường xuất khẩu trong những tháng tới vẫn còn ảm đạm.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà xuất khẩu nông sản trong cả nước từ đầu năm đến nay hầu hết đều giảm mạnh. Trong đó có những mặt hàng xuất khẩu giảm nhiều về khối lượng, giá trị so với cùng kỳ năm 2012 là mủ cao su, điều, cà phê…

* Giảm cả lượng lẫn giá

Trong hai năm 2011-2012 hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất nhập khẩu điều ở Đồng Nai điêu đứng vì đầu ra khó khăn, giá xuất khẩu giảm mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2013, tình hình xuất khẩu điều vẫn chưa mấy sáng sủa, DN tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn mới vì vụ điều 2013 mất mùa, phải tăng nhập khẩu hạt điều thô về sản xuất. Trong khi đó, giá hạt điều thô nhập khẩu tăng cao, còn giá xuất khẩu nhân hạt điều lại giảm sâu. Theo Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều thô trong 4 tháng đầu năm là 93 ngàn tấn bằng 102 triệu USD, tăng 13,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Còn giá hạt điều nhân xuất khẩu giảm gần 2%.

Giá cao su xuất khẩu hạ từ đầu năm, đến nay còn hơn 60 triệu đồng/ tấn.
Giá cao su xuất khẩu hạ từ đầu năm, đến nay còn hơn 60 triệu đồng/ tấn.

Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), cho biết: "Xuất khẩu hạt điều nhân của công ty 4 tháng đầu năm nay đạt gần 1.400 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá lại giảm. Phải nhập khẩu nguyên liệu giá cao, giá bán hạt điều nhân giảm hầu hết các DN chế biến điều đều gặp khó khăn".

Mủ cao su là mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn ở Đồng Nai nhưng trong những tháng đầu năm cũng giảm cả giá lẫn khối lượng. "Giá xuất khẩu mủ cao su hạ từ đầu năm, đến nay còn hơn 60 triệu đồng/tấn, giảm gần 4 triệu đồng/tấn so với năm 2012" – bà Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc Tổng công ty cao su Đồng Nai, nói.

Mặc dù giá xuất khẩu cà phê trong tỉnh những tháng đầu năm chỉ giảm nhẹ, nhưng khối lượng giảm gần 17 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước.

* Cạnh tranh gay gắt

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu nông sản trong một vài tháng tới vẫn chưa khởi sắc. DN trong nước khó cạnh tranh với những nước xuất khẩu nông sản lớn, như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Theo đó, tại các nước kể trên, DN chế biến, xuất khẩu nông sản được vay vốn lãi suất chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 so với Việt Nam. "Do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới nên trong 2, 3 tháng tới, xuất khẩu điều sẽ còn tiếp tục giảm cả về sản lượng lẫn giá. Năm 2012, có đến 90% DN chế biến điều bị thua lỗ nên ngân hàng thận trong trong việc cho vay vốn. Năm nay, những DN không đủ khả năng về tài chính sẽ khó trụ nổi" – ông Học, Tổng giám đốc Donafoods, dự đoán.

Hai năm nay nông dân trồng cà phê trong tỉnh thường trữ hàng đợi thời điểm giá tốt mới bán ra. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom).
Hai năm nay nông dân trồng cà phê trong tỉnh thường trữ hàng đợi thời điểm giá tốt mới bán ra. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom).

Với cà phê, các DN xuất khẩu đang hy vọng vào dịp cuối năm – thời điểm các nước nhập khẩu lớn tăng dự trữ mặt hàng này – để đẩy mạnh chế biến. Đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa, DN có lượng cà phê xuất khẩu lớn nhận định, khoảng 2 năm lại đây, nhiều DN đã biết cách khống chế không cho giá cà phê xuất khẩu giảm sâu xuống dưới 2 ngàn USD/tấn. Cụ thể, những thời điểm giá cà phê hạ nhiều, các DN đều hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trên thế giới có nhiều thời điểm giảm sâu nên các DN đang "chờ thời". Công ty TNHH Minh Huy (TX. Long Khánh) – một đơn vị xuất khẩu cà phê lớn của tỉnh cũng cho hay, hiện ngưng mua cà phê từ các đại lý vì giá xuất khẩu không tốt.

 Hương Giang

 

 

Article source: http://www.cand.com.vn/vi-VN/phapluat/2013/5/198129.cand



0 nhận xét:

Đăng nhận xét